|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Yeah1 lỗ ròng 156 tỷ quý II

08:28 | 18/08/2021
Chia sẻ
Yeah1 cho biết các mảng kinh doanh trong quý II gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mảng thương mại đa kênh (bán lẻ) từ sự ảnh hưởng nặng nề của hai đợt dịch liên tiếp.

CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần đạt 312 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của công ty âm 49 tỷ đồng.

Trong quý II, Yeah 1 liên tục có động thái thoái vốn tại các công ty con gián tiếp nên lãi từ hoạt động này đóng góp phần lớn vào doanh thu từ hoạt động tài chính giúp chỉ tiêu này tăng gấp 6,4 lần lên 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, các chi phí (tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp) ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả, Yeah1 lỗ sau thuế 144,5 tỷ đồng trong quý II; lỗ ròng 156 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ khoảng 3 tỷ.

Yeah1 vẫn lỗ quý II gần 145 tỷ đồng sau khi thoái vốn tại loạt công ty con - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Yeah1.

Yeah1 cho biết các mảng kinh doanh trong quý II gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mảng thương mại đa kênh (bán lẻ) từ sự ảnh hưởng nặng nề của hai đợt dịch trong nửa đầu năm.

Đây là quý thứ ba liên tiếp Yeah1 phải chịu lỗ. Hiện cổ phiếu YEG đang ở diện kiểm soát từ ngày 12/4 do lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 và lãi sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2020 âm.

Yeah1 vẫn lỗ quý II gần 145 tỷ đồng sau khi thoái vốn tại loạt công ty con - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất hàng quý của Yeah1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Yeah1 đạt doanh thu thuần 600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, lỗ sau thuế 197 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2,4 tỷ. Lỗ ròng nửa đầu năm 202 tỷ đồng.

Năm 2021, Yeah1 đặt kế hoạch 2.710 tỷ đồng doanh thu thuần và 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy với kết quả trên, Yeah1 thực hiện 22% mục tiêu doanh thu và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của Yeah1 đạt hơn 1.214 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 673 tỷ đồng, giảm 10,5% so với đầu năm và chiếm 55% tổng tài sản.

Tại ngày 30/6, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 544 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay là 236,5 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm.

Tường Vy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.