Dịch COVID-19 đang ghìm cương ngành thuỷ sản, còn xung lực nào cho nửa cuối năm?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2021 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 5 tỷ USD. Các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh như Mỹ tăng 36%, Nhật Bản tăng 1,7%, châu Âu tăng 17,6%, chỉ duy nhất thị trường Trung Quốc giảm 7%.
Kết quả nổi bật này cũng đã thể hiện rõ nét ở kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong nửa năm 2021.
Điển hình trong nhóm xuất khẩu tôm như Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) với doanh thu thuần đạt 6.102 tỷ đồng, lãi sau thuế 276 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II doanh thu đạt 3.292 tỷ đồng, tăng 20%, lãi sau thuế ghi nhận mức tăng 42% lên 250 tỷ đồng.
Năm 2021, Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu 15.774 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.092 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, Minh Phú đã thực hiện 38,6% mục tiêu doanh thu và 25% mục tiêu lợi nhuận năm.
Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác cũng hưởng lợi nhờ thị trường Mỹ, Nhật là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) có doanh thu quý II/2021 đạt 1.160,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 82 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và hơn 58% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận tăng trong kỳ do bên cạnh việc tăng giá nguyên liệu so cùng kỳ, hiệu quả từ việc thu hoạch tôm tự nuôi đã góp phần đáng kể trong hoạt động kinh doanh cải thiện.
Kết thúc 6 tháng FMC có doanh thu đạt hơn 2.129 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 112,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,3% và 22,5% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo diễn biến phức tạp của COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết qủa kinh doanh nửa cuối năm do FMC hiện chỉ hoạt động ở mức 30-40% công suất bình thường trong bối cảnh giãn cách xã hội, gián đoạn hoạt động logistic và tăng chi phí hoạt động.
Cùng ghi nhận mức tăng trưởng cao là Công ty cổ phần Camimex Group (Mã: CMX), kết thúc quý II doanh thu thuần đạt hơn 718 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 21,6 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty có doanh thu thuần đạt 932,6 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 32,4 tỷ đồng, tăng 16%. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện 57,2% chỉ tiêu doanh thu và 44,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Với mặt hàng cá tra, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) ghi nhận doanh thu trong nửa đầu năm nay đạt 4.134 tỷ đồng, tăng gần 24%. Trong đó, doanh thu xuất khẩu phi lê tăng 17% trong 6 tháng chủ yếu nhờ nhu cầu của thị trường Mỹ phục hồi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Lợi nhuận sau thuế đạt 454 tỷ đồng, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 do chi phí logistic tăng cao.
Riêng quý II, doanh thu thuần tăng 41% so với cùng kỳ lên 2.343 tỷ đồng, lãi ròng đạt 261 tỷ đồng, tăng 16% cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 7 quý trở lại đây.
VDSC nhận định bên cạnh chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng do nguồn cung cá tra thiếu hụt và giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận năm 2021 của Vĩnh Hoàn.
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng giãn cách xã hội ở Việt Nam sẽ trì hoãn một phần các đơn hàng xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến doanh thu quý III.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia – IDI (Mã: IDI) cũng là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu thuần quý II gần 1.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 27 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.
6 tháng đầu năm, doanh thu của IDI đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó, doanh thu bán mỡ cá, bột cá tăng 40,8%, doanh thu kinh doanh hàng hóa bất động sản tăng 83,6%. Lợi nhuận sau thuế 48 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mới đạt gần 30% mục tiêu lợi nhuận năm 2021.
Năm nay, IDI đặt kế hoạch nâng thứ hạng lên top 2 công ty chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Đối với những thị trường hiện có, doanh nghiệp dự kiến sẽ quan tâm nhiều đến các khách hàng là hệ thống siêu thị, nhà hàng, các nhà chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra để có những đơn hàng dài hạn (6 đến 12 tháng) và duy trì sản xuất ổn định.
Đầu đầu tháng 7, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần. Trong đó, giá thuê container và phụ phí liên tục tăng "phi mã".
Trước đó, từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến.
Cước vận chuyển tăng do nhu cầu tăng, tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng, thiếu tàu cũng như thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Có thể kể đến như Công ty cổ phần Thuỷ sản Nam Việt (Navico; Mã: ANV) vừa công bố doanh thu thuần quý II đạt 1.074 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ nhờ sản lượng bán hàng tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn gần 24 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là do chi phí bán hàng tăng đột biến 137% chủ yếu là do phí cước tàu, phí vận chuyển tăng mạnh, mặt khác, chi phí tài chính tăng mạnh 42%.
Không chỉ chịu tác động từ cước tàu tăng cao, giá bán ở mức thấp đã “hạ gục” lợi nhuận của Công ty cổ phần Thủy sản MeKong (Mã: AAM) trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm.
Trong quý II, doanh thu thuần ghi nhận tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này phải chịu lỗ gộp 817 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Kết quả, AAM báo lỗ hơn 3 tỷ đồng, và đây cũng là quý thứ 5 lỗ liên tiếp.
Kế hoạch doanh thu năm nay của AAM là 180 tỷ đồng và không bị lỗ. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 9%, xuống còn 59 tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch năm và lỗ ròng hơn 4,2 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Thủy sản Số 4 (Mã: TS4) có doanh thu quý II hơn 11 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ, lỗ hơn 2,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng doanh thu đạt 78,6 tỷ đồng, giảm 6% và lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng.
Thực tế, tình hình cước vận tải tăng cao là điểm nghẽn phục hồi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, kể cả những "ông lớn" đã ghi nhận kết quả khả quan.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 6, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú, cho biết tình hình cước vận tải rất khó đoán định.
“Hiện tại thiếu container rất trầm trọng. Trong khi đó phía Trung Quốc đang cố gắng kéo hết vỏ container về phía họ. Giá container tăng rất nhiều, cước tăng 2 - 4 lần so với bình thường mà chúng tôi cũng không biết cước tăng nữa không và có container để xuất không", ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết việc cước vận tải và chi phí thuê container tăng chóng mặt sẽ là rủi ro lớn đối với giá bán tôm của Minh Phú bởi chi phí này biến động liên tục và mạnh do thiếu nguồn cung nên công ty khó hoạch định vào giá bán.
Các tháng đầu năm 2021 dù dịch bệnh nhưng sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 lần thứ tư ập đến đúng vào giai đoạn cao điểm trong sản xuất và đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
VASEP cho biết hầu hết tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường – 2 địa điểm" để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ".
Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.
Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến, xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách chung. Dự tính nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do COVID-19 như trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần, trong khi các chi phí đầu vào và logistics tăng mạnh...
Dự báo cụ thể về từng nhóm hàng, VDSC cho rằng hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ gặp nhiều lực kiểm từ thị trường EU và Trung Quốc. Bởi hoạt động kiểm tra chặt chẽ hơn liên quan đến COVID-19 của Trung Quốc đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh sẽ làm trì hoãn xuất khẩu thủy sản.
Với xuất khẩu tôm, theo các chuyên gia nhu cầu vẫn sáng nhưng COVID-19 tăng mạnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tôm ở kênh bán lẻ vẫn ở mức cao trong khi kênh phân phối ngành nhà hàng – khách sạn phục hồi ở Mỹ và EU. Hơn nữa, nguồn cung tôm thiếu hụt ở Ấn Độ và Indonesia do COVID-19 cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Tuy nhiên, COVID-19 tăng nhanh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhà máy ở mức 30-40% công suất bình thường trong bối cảnh giãn cách xã hội, gián đoạn các hoạt động vận chuyển và tăng chi phí vận hành", VDSC nhận định.
Trước thực tế khó khăn hiện nay, VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm chắc chắn sẽ tuột dốc, nếu không có giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu và trực tiếp thúc đẩy sinh kế cho công nhân, nông-ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh COVID-19.