ĐHĐCĐ Minh Phú: Giá thức ăn và giá vận chuyển tăng kéo giá thành lên thêm 20%, để dành đơn hàng cho dịp cuối năm khi dự báo nguồn cung thiếu hụt lớn
Sáng 17/6, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến với 37 cổ đông tham dự, đại diện cho 184 triệu cổ phiếu, tương ứng với 92,44% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.
Công ty trình cổ đông kế hoạch năm 2021 với doanh thu 15.774 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 1.092 tỷ đồng, tăng trưởng 62%.
Dẫu vậy, nếu hoàn thành được kế hoạch này, đây sẽ là kết quả lợi nhuận cao nhất của công ty từ trước đến nay.
Về kế hoạch cổ tức, cổ đông thông qua phương án cho năm 2020 là 20% tiền mặt (2.000 đồng/cp), tương đương số tiền chi trả khoảng 400 tỷ đồng. Sang năm 2021, kế hoạch chia cổ tức dự kiến tỷ lệ 50 - 70%.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch bán 633.170 cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình ESOP, tỷ lệ chào bán là 0,32% với giá bán cố định là 10.000 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ đông Minh Phú đã miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Osada Tsutomu và bầu ông Tsukahara Keiichi là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024.
*Thảo luận:
Câu hỏi: Công ty có giải pháp gì để không chậm công bố báo cáo tài chính?
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú chia sẻ hiện công ty có 18 công ty thành viên, khác với những công ty khác do có hai thành viên (một công ty ở Mỹ và ở Nhật). Do công ty ở Mỹ không báo cáo đúng thời gian (khách hàng gửi báo cáo chậm, người Mỹ không làm thêm giờ,...) được nên MPC tổng hợp báo cáo rất lâu.
"Nhiều năm nay đều chậm và chưa có giải pháp nào khắc phục được", ông Quang khẳng định.
Câu hỏi: Vì sao công ty không hoàn thành kế hoạch năm 2019 và năm 2020?
Tổng Giám đốc Minh Phú cho biết, trong những năm qua, Minh Phú gặp nhiều việc, trong đó năm 2019 đã bị khởi kiện về gian lận nhập khẩu tôm Ấn Độ bán cho Mỹ.
Để chứng minh được, Minh Phú đã thuê luật sư với số tiền lớn, đồng thời theo kế hoạch thì phải mất ba năm mới xong báo cáo, nhưng tòa án Mỹ chỉ cho ba tháng.
"Do đó chúng tôi tập trung hết, có khi phải dừng sản xuất để dồn lực để chứng minh, đấu tranh với vụ kiện. Đây là lý do khiến năm 2019, 2020 công ty không đạt kế hoạch", ông Quang phân trần.
Câu hỏi: Tiền hoàn trả từ vụ áp thuế của Mỹ, công ty đã nhận được chưa?
Theo đúng quy định, Minh Phú sẽ nhận được trong quý I/2021. Tuy nhiên bên nguyên đơn lại khiếu nại tiếp. Do đó dự kiến cuối tháng 6, tòa án ở Mỹ sẽ trả lời.
"Tôi nghĩ trong năm nay chúng ta vẫn chưa nhận được số tiền hoàn trả và phải trải qua 1 - 2 thưa kiện nữa. Chúng tôi sẽ đấu đến cùng để được hoàn tiền nhanh nhất có thể", ông Quang khẳng định.
Câu hỏi: Vì sao tỷ lệ cổ tức năm 2019 và 2020 thấp so với thông thường (5.000 đồng/cp), công ty có đang kinh doanh ổn định không?
Ông Quang trả lời, do năm 2019 dính vụ kiện ở Mỹ và năm 2020 dính dịch COVID-19 nên công ty cần tiền để chống chọi với dịch bệnh. Do đó Minh Phú không thể chia cho cổ đông nhiều.
Ông Quang khẳng định, tình hình sản xuất của Minh Phú rất tốt, tuy nhiên vấn đề xuất hàng không thể hoạch định được do thiếu container, song chúng tôi sẽ tìm mọi cách để xuất khẩu được.
Chúng tôi sẽ làm việc thêm với các hãng tàu mới, nhỏ hơn và chấp nhận giá cước tàu cao để bán kịp cho khách hàng.
Ngoài ra, kế hoạch của Minh Phú là chỉ kí hợp đồng từng tháng, với những hợp đồng đấu giá sẽ chủ trương không tham gia, hoặc chỉ đấu giá với những hợp đồng quan trọng.
Câu hỏi: Giá vốn tăng cao làm lãi gộp quý I giảm mạnh? Tình hình kinh doanh sau quý I của công ty có được cải thiện?
Ông Lê Văn Quang giải thích, quý I trùng vào Tết Nguyên đán và dịch bệnh nên công suất chỉ bằng 30% so với thông thường. Tháng 4, 5 công ty sản xuất tốt.
Riêng tháng 5, hai nhà máy đã đạt được 123 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu tình hình tháng 6 xuất hàng mạnh thì lợi nhuận quý I chưa sản xuất được sẽ hoàn nhập qua và lợi nhuận các quý sau sẽ tốt.
Câu hỏi: Kế hoạch đầu tư của công ty hiện tại?
Chúng tôi luôn cố gắng triển khai các dự án đúng kế hoạch. Nhưng vụ kiện đã khiến chúng tôi tập trung hết nguồn lực để đối phó. Do đó kế hoạch mở rộng nhà máy tạm dừng lại.
Sau đó chúng tôi dự định triển khai nhà máy tẩm bột Minh Phú Hậu Giang tháng 3/2021 nhưng thủ tục đầu tư lại rắc rối. Mãi đến ngày 20/5 thì nhà máy mới khởi công được. Dự kiến tháng 1/2022 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động. Nhưng do tình hình mưa nên phải tháng 3/2022 nhà máy mới chính thức hoạt động.
Tại Nhà máy Minh Phát Cà Mau: công ty đã lên kế hoạch khởi công từ tháng 5 nhưng vì vướng luật đầu tư nên dự tính khởi công 15/7 này. Như vậy tình hình hoạt động sẽ kéo dài đến 7/2022, song công ty cố gắng đẩy nhanh vào tháng 5/2022 để đón đầu vụ tôm.
Câu hỏi: Tỷ lệ hàng nội địa của công ty chiếm bao nhiêu phần trăm?
Tỷ lệ hàng nội địa của Minh Phú chỉ chiếm 0,79%. Lý do, giá tôm của Minh Phú cao hơn các công ty khác bởi tôm của Minh Phú không có kháng sinh.
Thực tế các siêu thị thích nhập nguồn tôm giá rẻ, với giá thấp hơn Minh Phú 20%. Trong khi "tôm ở Việt Nam toàn nhiễm kháng sinh và tôm bơm", ông Quang khẳng định.
Do đó, một khi người tiêu dùng Việt quan tâm đến sức khỏe thì thị trường nội địa của Minh Phú mới tốt, ông Quang nói.
Câu hỏi: Thức ăn nuôi tôm và giá vận chuyển tăng khiến giá thành tăng bao nhiêu %?
Giá thức ăn và giá vận chuyển tăng làm giá thành đẩy thêm 20%. Các chi phí này đã tính trong kế hoạch năm.
Ông Quang chia sẻ thêm, hiện giá tôm tăng liên tục do sản lượng tôm Ấn Độ đã giảm 50% so với năm 2020. Dự kiến nguồn cung sẽ thiếu hụt rất nghiêm trọng trong thời gian tới do không có ai có thể bù được sản lượng thiếu hụt này.
Ông Quang dự đoán giá tôm sẽ tăng mạnh vào tháng 8, 9, 10, đây là những tháng chuẩn bị bán hàng cho lễ Noel và dịp cuối năm. Do đó Minh Phú chủ trương trong tháng 5 không vội bán hàng.
Câu hỏi: Việt Nam có lợi thế gì so với tôm Ấn Độ, Indonesia?
Ông Quang chia sẻ, do dịch COVID-19 ở Ấn Độ và Indonesia nên nguồn cung tôm sẽ giảm mạnh. Riêng nguồn xuất khẩu tôm ở Ecuador tăng rất mạnh do gần thị trường Mỹ.
Đồng thời giá tôm của Ecuador thấp hơn giá của Minh Phú đến 50% nên chiến lược của Minh Phú sẽ không tập trung vào thị trường Mỹ. "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất hàng qua các nước Nhật, châu Âu", đại diện Minh Phú nói.
Câu hỏi: Mục tiêu tới năm 2025 của Minh Phú là gì?
Điểm mạnh nhất của Minh Phú là chế biến, xuất khẩu do đó công ty sẽ tập trung vào thế mạnh của mình.
Song mục tiêu cuối cùng của Minh Phú sẽ hoàn thiện chuỗi cung ứng từ đầu đến đuôi, bao gồm cả nuôi tôm công nghệ cao và nuôi tôm giống.
Câu hỏi: Minh Phú đã chủ động bao nhiêu % con giống của mình?
Vấn đề bán con giống cực kỳ khó, nếu sản xuất và bán được liền thì lợi nhuận gộp sẽ hơn 60%. Nhưng nếu không bán được thì sẽ lỗ lớn.
Hiện tại Minh Phú đang tập trung chế biến, nuôi tôm. Đến năm 2022 chúng tôi sẽ cung cấp 30% cho nhu cầu các vùng nuôi của mình, lãnh đạo Minh Phú chia sẻ.
Câu hỏi: Giá tôm trong nước có ảnh hưởng đến Minh Phú không?
Giá tôm nguyên liệu của Minh Phú là giá tham chiếu của thị trường Việt Nam. Nên Minh Phú rất ít bị ảnh hưởng bởi giá tôm của thị trường trong nước.
Vấn đề của Minh Phú là làm sao đủ nguyên liệu để các nhà máy hoạt động hết công suất và phải bán hàng được. Trong khi đó công ty phải cạnh tranh giá với Ecuador, Ấn Độ,... Lợi nhuận của Minh Phú nhiều hay ít phụ thuộc việc giá tôm nguyên liệu của Việt Nam phải cạnh tranh với các thị trường nước ngoài.