Bà Nguyễn Thị Như Loan: Điều may mắn ở dự án Phước Kiển là giá đất tăng rất nhiều lần
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) diễn ra vào chiều ngày 31/12/2020, nhiều cổ đông đặt câu hỏi xoay quanh dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) và tình hình vụ kiện giữa doanh nghiệp với đối tác Sunny.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc QCGL, cho biết "hiện nay chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án đã hết hạn. Điều may mắn là giá trị quỹ đất rất lớn và giá trị này đã tăng rất nhiều lần. Đây cũng là thành tích mà HĐQT cố gắng cầm cự để giữ lại tài sản này cho công ty.
Suốt nhiều năm qua, mình cũng rất nể và biết ơn người bên Sunny đã đầu tư cho mình. Tuy nhiên, họ đầu tư không tới, trả tiền không đạt theo hợp đồng. Về nhận xét của QCGL, họ vi phạm nên mình mới dám nộp án phí gần 10 tỷ và dám kiện họ ra tòa.
Nếu mình sai, mình hoàn trả cho Sunny 2.883 tỷ đồng và đền thêm 50%, tức hơn 1.400 tỷ đồng. Nếu phía Sunny sai, QCGL chỉ trả cho họ 1.400 tỷ. Xét về tình và lý, mình đã dùng tiền của người ta mấy năm nay nên mình cũng muốn trả lại tiền cho Sunny.
Tuy nhiên, Sunny không chịu nhận tiền mà chỉ muốn nhận đất. Với số tiền Sunny đã đầu tư, chúng tôi dự toán quy đổi ra khoảng 19% diện tích đất tại Phước Kiển. Việc cắt đất chia cũng rất khó nên buộc phải ra tòa".
Thông tin từ bà Loan, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tranh tụng một lần nhưng vì COVID-19 và một số điều kiện khách quan nên VIAC chưa có buổi tranh tụng lần hai để đưa ra phán quyết. Có thể trước hoặc sau Tết Nguyên Đán sẽ có phán quyết từ VIAC.
Tại dự án Phước Kiển, QCGL đã đền bù được 95% dự án. Về 5% còn lại, bà Loan cho biết doanh nghiệp vẫn chưa thương thảo được giá đền bù bởi người dân yêu cầu mức giá quá cao, không phù hợp với tình hình thực tế.
Trước mắt, QCGL sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về thủ tục pháp lý rồi sau đó mới tiến đến đền bù phần đất còn lại. Theo bà Loan, vấn đề pháp lý không thể biết trước được khi nào xong, phía doanh nghiệp không tiên liệu được việc này. Không phải QCGL không huy động được vốn để đền bù đất mà nếu huy động, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực lãi vay.
"Giả sử QCGL vay 2.000 tỷ đồng thì mỗi năm công ty phải trả lãi vay 200 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận mỗi năm vài chục đến một trăm tỷ đồng. Thậm chí chưa biết được mình phải trả lãi này trong bao nhiêu năm, chờ pháp lý đến khi nào.
Cũng từ việc này chúng tôi nhận thấy điều đúng đắn mà HĐQT doanh nghiệp đã làm là không nóng vội trong việc vay vốn cho dự án Phước Kiện trước đây, nếu không bây giờ doanh nghiệp phải chịu áp lực nợ rất lớn", TGĐ QCGL cho hay.
Tăng vốn để giảm nợ, lợi nhuận trước thuế 2022 dự kiến 100 tỷ
Ngoài dự án Phước Kiển nói trê, QCGL còn dự án Maria Đà Nẵng - một trong hai dự án có vị trí đắc địa, dọc sông Hàn còn lại, theo đánh giá của HĐQT. Bên cạnh đó, QCGL còn quỹ đất tại TP Thủ Đức và các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được doanh nghiệp mua lại trong giai đoạn 2020-2021.
Theo HĐQT QCGL, "sắp tới công ty tiến hành tăng vốn để giảm nợ. Khi mình giảm được nợ, ngân hàng và quỹ đầu tư mới hăng hái cho mình vay để làm các dự án khác. Đến khi hành lang pháp lý trôi trảy như những năm 2017, QCGL lại tăng vốn tiếp".
Về phương án tăng vốn đã được cổ đông thông qua tại đại hội, Quốc Cường Gia Lai sẽ phát hành gần 61,9 triệu cp với giá 11.000 đồng/cp trong năm 2022.
Lượng cổ phiếu nói trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 12 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng trước thời hạn này có thể bán lại cho Quốc Cường Gia Lai với giá 10.000 đồng/cp để làm cổ phiếu quỹ.
Liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2022, bà Loan cho rằng công ty chỉ đưa ra mục tiêu vừa sức với doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.