|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may lội ngược dòng trong nửa đầu năm

07:55 | 10/08/2021
Chia sẻ
Năm 2020, xuất khẩu dệt may lần đầu tiên sụt giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, nước sang năm 2021, ngành hàng đã nhanh chóng phục hồi với những con số tăng trưởng tại các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm.

Một năm trước, bức tranh kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam khá u ám, do các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU là tâm điểm của đại dịch toàn cầu. Các lệnh phong tỏa được đưa ra và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang giảm mạnh.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước nỗ lực bù đắp sự sụt giảm của các đơn hàng thời trang bằng khẩu trang phòng dịch, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của dệt may năm 2020 vẫn suy giảm gần 10% so với năm 2019, đạt khoảng 35 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, tình hình xuất khẩu dệt may đã có nhiều khởi sắc. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2021 xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 17 tỷ USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc… đã tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua hoạt động tiêm vắc xin rộng rãi, kinh tế dần phục hồi, dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Doanh nghiệp dệt may gây ấn tượng nửa đầu năm, dồi dào đơn hàng đến hết năm  - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết quý IV/2021.(Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao trong hai quý đầu năm

Với điều kiện thuận lợi chung của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong những tháng đầu năm. 

Điển hình như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, Mã: VTG) vừa ghi nhận doanh thu thuần quý II/2021 đạt gần 3.708 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hơn 193 tỷ đồng, gấp gần 9,2 lần quý II năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm, mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ, đạt hơn 7.000 tỷ đồng, hiệu quả kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận gộp tăng gấp rưỡi lên 949 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 292 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 32% so với bán niên năm 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo Vinatex sau hai năm liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành sợi đã có nhiều chuyển biến tích cực, cầu và giá bán cùng tăng cao. Ngành may hầu hết doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cũng đã đủ đơn hàng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12.

Năm 2021, Vinatex đặt kế hoạch đem về 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Vinatex đã thực hiện được 41% mục tiêu doanh thu và 89% mục tiêu lãi trước thuế.

Doanh nghiệp dệt may lội ngược dòng trong nửa đầu năm - Ảnh 2.

Nguồn: P. Dương tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng có kết quả tích cực khi doanh thu thuần quý II đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 61 tỷ đồng, tăng 90% so với quý II/2020.

Theo giải trình của TNG, ngay từ đầu năm công ty đã định hướng việc tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam cũng như xác định được rõ dòng hàng mục tiêu.

Do vậy, TNG tập trung vào các dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn cùng với việc áp dụng các giải pháp quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời, cơ cấu doanh thu hàng FOB tăng giúp tổng doanh thu tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó, các khoản chi phí được tiết giảm triệt để đã giúp lãi ròng tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TNG đạt 2.371 tỷ đồng, tăng 29% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, tăng 30%. 

Năm nay, TNG dự kiến đạt 4.798 tỷ đồng doanh thu và 175 tỷ đồng lãi sau thuế, như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện 49,4% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lãi sau thuế sau 6 tháng đầu năm.

Với CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM), doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 11% lên 1.924 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 121 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.

Giai đoạn này TCM không có đơn hàng PPE (khẩu trang và đồ bảo hộ) nên doanh thu mảng may mặc giảm nhẹ, bù lại sự phục hồi của các đơn hàng truyền thống và mảng vải sợi cải thiện nên doanh thu vẫn tăng 11% so với cùng kỳ. 

Ban lãnh đạo TCM cho biết nhờ có chuỗi cung ứng sợi – dệt – nhuộm – may khép kín tạo lợi thế giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn cung nguyên liệu vải và ổn định biên lợi nhuận, khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng khép kín cũng tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ và được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành.

Năm nay, công ty lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 4.218 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, TCM đã đạt 45,6% kế hoạch doanh thu và 41,7% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Hay như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) báo doanh thu thuần quý II đạt 510 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 56,48% doanh thu đến từ mảng sợi tái chế.

Biên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức gần 20%. Lợi nhuận sau thuế trong quý II/2021 là 70 tỷ đồng, tăng 25 lần so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong quý II/2021, nhờ sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu dệt may chính như Mỹ, EU cũng như sự thích nghi của công ty với bối cảnh thị trường, doanh số bán và giá bán được cải thiện hơn so với quý II/2020.

Mặt khác, doanh thu bán hàng Recycle (tái chế) tăng hơn so với cùng kỳ làm cho biên độ lợi nhuận cao và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu STK đạt 1.077 tỷ đồng, lãi sau thuế 140 tỷ đồng; tăng lần lượt 24% và 154% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, STK đặt mục tiêu đạt 2.358 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng. Như vậy kết thúc nửa đầu năm STK đã hoàn thành 46% mục tiêu về doanh thu và gần 57% mục tiêu về lợi nhuận.

Doanh nghiệp dệt may lội ngược dòng trong nửa đầu năm - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Sợi Thế Kỷ.

Triển vọng nửa cuối năm không hoàn toàn thuận lợi

Bộ Công Thương dự báo nhờ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, hoạt động xuất khẩu dệt may trong nửa cuối của năm nay sẽ nhiều "điểm sáng", đặc biệt khi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc mở cửa trở lại và tăng cầu nhập khẩu.

Trong đó, Hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU bởi mức thuế suất ưu đãi sẽ tạo điều kiện để hàng dệt may Việt Nam giảm giá thành, đủ năng lực cạnh tranh với các nước khác. 

Hay hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với việc chỉ yêu cầu công việc cắt may được thực hiện tại Việt Nam mà không quan trọng nơi sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lúc này không phải là sức cầu thị trường, mà là đảm bảo ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh và sự ách tắc trong khâu logistics, cụ thể là giá thuê container tăng vọt và thiếu hụt nguồn cung container ở các tuyến vận tải biển quốc tế.

Ngoài ra, chia sẻ với người viết, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay: "Trong hai quý đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may đã nhận nhiều đơn hàng để thực hiện trong quý III và quý IV, tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, một số đơn hàng buộc phải chuyển dịch để đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Vì dệt may là mặt hàng nặng tính mùa vụ, nếu để chậm trễ đến hết mùa vụ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của các nhãn hàng, đối tác", ông Vũ Đức Giang nhận định.

Theo số liệu của Vitas thời điểm này có đến 97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Còn lại khoảng 3% vẫn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", chủ yếu phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc do có các đơn hàng gấp, nếu dừng sản xuất thì thiệt hại rất lớn.

Cũng theo ông Giang việc cam kết với đối tác thời điểm sản xuất trở lại là rất khó. Chính điều này dẫn đến việc đối tác lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa của họ sẽ bị đứt gãy. Do đó tạm thời các đối tác sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khống chế dịch tốt hơn.

"Hiệp hội đang làm việc với các nhãn hàng, đối tác để chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất như giãn thời gian giao hàng nhưng vấn đề không biết phải giãn đến thời gian nào. Đây là thách thức rất lớn và không ai dám khẳng định đến thời điểm nào hết dịch và thời điểm nào các địa phương sẽ bỏ giãn cách để doanh nghiệp quay lại sản xuất", Chủ tịch Vitas chia sẻ.

Năm nay, mục tiêu toàn ngành đề ra ở kịch bản cao là 39-39,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang cho rằng nếu dịch vẫn chưa thể kiểm soát được, thì khả năng xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2021 chỉ có thể đạt 32,5 - 33 tỷ USD.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

P. Dương