|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón tăng cao, nông dân 'ăn ngủ không yên'

14:57 | 06/07/2021
Chia sẻ
Giá phân bón tiếp tục tăng mạnh, chưa kể nhiều dịch vụ khác cũng tăng theo khiến nông dân lo lắng, nhất là trong bối cảnh giá lúa đang có xu hướng giảm.

Giá phân bón tăng chóng mặt

Giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Bên cạnh thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng là mặt hàng đang trên đà tăng giá.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6 tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%,...

Chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết: "Phân bón chiếm khoảng 25% trong tổng chi phí sản xuất lúa. Hiện tại giá phân bón đã tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với trước đây khiến chi phí sản xuất tăng cao, trung bình ở mức 3,2 -3,5 triệu đồng/công (1.000 m2). Mức phí hiện tại đã tăng hơn 15% so với đầu năm 2021.

Trong khi đó, giá lúa tươi hiện nay đang ở mức thấp, khoảng 5.200-5.500 đồng/kg, năng suất 700-800 kg/công nên tính ra đâu có lợi nhuận bao nhiêu".

Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông dân đang ăn ngủ không yên khi giá phân bón hiện nay cao hơn mọi năm rất nhiều và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng giá.

Ông Lê Văn Cua, nông dân huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Giá phân bón tăng mạnh gần gấp đôi so với vụ đông xuân. Trước đây giá phân đạm Cà Mau chỉ có 330.000 đồng/bao mua nợ còn hiện nay mua nợ có giá đến 650.000 đồng/bao".

Trong khi đó, hiện nay các đại lý buộc phải có tiền mặt đặt cọc trước mới có phân cho người dân sử dụng cho nên lượng phân không đủ, nông dân bị hạn chế trong việc mua phân.

"Giá lúa chỉ dao động 5.300 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng trước. Cứ tiếp tục tăng giá phân như hiện nay chắc người dân sẽ không có lời trong cuối vụ hè này. Hiện giờ ai cũng hoang mang không biết phải làm sao, người nào cũng than thở", ông Cua nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Phan Văn Có cho hay là doanh nghiệp trồng lúa với diện tích lớn nên với đà tăng của giá phân bón khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro.

Giá thành vật tư nông nghiệp tăng không kiểm soát được. Đáng chú ý, xu hướng tăng này sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp luôn muốn tăng doanh số, doanh thu và lợi nhuận trong kinh doanh nên họ liên kết tạo thành một chuỗi.

"Ví dụ với cùng sản phẩm đó, lúc bình thường giá 500.000 đồng nhưng khi tới mùa là lên 650.000 đồng. Hoặc khi họ báo hết hàng nhưng chịu mua giá cao thì lại có hàng… 

Ngoài ra, khi sản xuất lúa 3 vụ làm cho đất đai trở nên cạn kiệt dinh dưỡng, nếu không dùng phân bón, thuốc BVTV thì không sản xuất được. Do đó, buộc người nông dân không còn đường lựa chọn khác mà phải chấp nhận giá cao", ông Có chia sẻ.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Phan Văn Có cho biết khi giá phân bón tăng, đồng nghĩa giá thành sản phẩm đầu vào rất cao, khiến doanh nghiệp không cạnh tranh được với các nước. Từ đó, gạo Việt không bán được trên thị trường quốc tế sẽ khiến doanh nghiệp gánh chịu các khoản thua lỗ trong thời gian sắp tới.

Giá phân bón tăng cao, nông dân 'ăn ngủ không yên' - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2021, giá phân bón thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Chịu tác động của giá phân bón thế giới, khả năng neo cao đến hết năm

Theo đại diện Công ty TNHH VRICE một trong những nguyên nhân khiến phân bón tăng giá là do Việt Nam đang áp thuế tự vệ khiến giá nhập khẩu phân bón tăng cao.

Đây cũng là nhận định của ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương. 

Ông Dũng cho hay giá phân bón tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài, như giá nguyên liệu sản xuất phân bón, chi phí vận tải tăng. Cụ thể, với phân bón DAP và MAP, nguyên liệu sản xuất lớn nhất là lưu huỳnh và amoniac.

Trong thời gian vừa qua, giá lưu huỳnh về các nhà máy sản xuất tăng lên hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn, lên 208 USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4% tương đương mức tăng 102 USD/tấn. Giá vận chuyển tăng từ 3-5 lần... Tất cả các yếu tố này khiến giá các loại phân bón nói chung gia tăng. 

"Do các yếu tố bên ngoài tăng mạnh nên giá các loại phân bón không chịu thuế phòng vệ thương mại như ure, kali cũng tăng trong thời gian vừa qua", Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Lưu Hoàng Ngọc: "Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy chu kỳ giá của phân bón thì cứ khoảng 10 năm sẽ có độ tăng giá. Năm nay cũng giống như năm 2008 là chu kỳ giá đi lên.

Việc giá đi lên có rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, giá vận chuyển hàng container đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, phân bón về Việt Nam gồm có DAP, MAP và ure hầu hết được vận chuyển bằng container".

Tại thời điểm hiện nay, đối với phân bón ure, Trung Quốc có chính sách là khi trong nước có nhu cầu cao họ sẽ đánh thuế xuất khẩu. Cho nên hiện nay thuế xuất khẩu ure của Trung Quốc đang là 30%.

Trong khi đó thì Ấn Độ đang vào vụ mùa, nhu cầu phân bón rất cao và nguồn cung phân bón urê ở Đông Nam Á rất thấp. Tại Indonesia, Malaysia, các nhà máy sản xuất phân Ure đang trong quá trình bảo dưỡng.

Tất cả những yếu tố đó đã đẩy giá phân bón trên thế giới lên cao. Trong khi đó giá phân bón của Việt Nam chịu tác động của giá phân bón thế giới.

"Bên cạnh đó, nếu nói về sản xuất phân urê hiện nay Việt Nam sản xuất theo hai nguồn. Một là bằng than, hai là bằng khí. Giá của hai nguyên liệu này đều tăng rất cao. Chính vì vậy, theo đánh giá của tôi giá phân bón sẽ vẫn còn neo ở mức cao đến hết năm", ông Ngọc chia sẻ.

Trước tình hình tăng giá này, ông Phan Văn Có đề xuất: "Nên giảm hoặc bỏ áp thuế với nhập khẩu phân bón. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, loại bỏ tất các các công ty kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng".

Tuy nhiên, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay Việt Nam đang áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu từ năm 2017. 

Hiện tượng giá tăng trong thời gian qua chỉ mới bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đơn vị đầu mối quản lý phân bón chung, theo chức năng nhiệm vụ theo dõi tình hình và đánh giá nguyên nhân khiến giá phân bón tăng.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình, kiến nghị giải pháp theo đúng quy định.

Trong khi đó, theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất hiện nay theo Nghị định số 84 của Chính phủ, việc quản lý phân bón từ khâu sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu cho đến các nội dung khác có liên quan của phân bón vô cơ và hữu cơ, Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương vẫn luôn kết hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để hỗ trợ bình ổn giá cũng như hỗ trợ cho sản xuất và đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Như Huỳnh