|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành nào tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý II?

08:42 | 06/08/2021
Chia sẻ
Doanh nghiệp thép đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận quý II, tiếp sau đó là ngành viễn thông với mức tăng trưởng đều trên 300%. Ngoài ra, nhóm vận tải, bất động sản, dịch vụ tài chính cùng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trên ba chữ số.
d - Ảnh 1.

Biểu đồ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu của các công ty niêm yết trên cả ba sàn (HOSE, HNX và UPCoM) từ quý III/2017 - quý II/2021. (Nguồn: VNDirect Research, báo cáo công ty).

Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán VNDirect, tính tới ngày 3/8 đã có 700 công ty niêm yết trên cả ba sàn (HOSE, HNX và UPCoM), tương đương 85% vốn hóa thị trường, công bố kết quả kinh doanh quý II/2021.

VNDirect ước tính tổng lợi nhuận quý II của các công ty niêm yết trên cả ba sàn tăng 66% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu này đã tăng chậm lại so với mức tăng hơn 92% ở quý I nhưng vẫn cao hơn 51% so với mức trước dịch là quý II/2019.

Riêng các công ty niêm yết trên sàn HOSE có lãi ròng quý II tăng với tỷ lệ thấp hơn, đạt hơn 56%. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc VN30 tăng 46% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp thép dẫn đầu thị trường

Xét ở từng ngành, nhóm doanh nghiệp thép hưởng lợi từ sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 326% trong quý II so với cùng kỳ. 

Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính, chủ yếu là các công ty chứng khoán, ghi nhận lợi nhuận tăng gần 121% trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.

d - Ảnh 2.

Biểu đồ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu quý II/2021 theo nhóm ngành so với cùng kỳ. (Nguồn: VNDirect Research, báo cáo công ty).

Trong khi đó, lợi nhuận quý II của ngành ngân hàng giảm tốc, tăng trưởng chỉ đạt 34% so với cùng kỳ trong khi quý trước liền kề tăng 79%. Nguyên nhân là các ngân hàng lớn (VCB, CTG) bất ngờ công bố lợi nhuận sụt giảm do chi phí dự phòng. Ngành bất động sản ghi nhận lợi nhuận tăng 102,6% nhờ giá tăng và sản lượng bán hàng tốt.

Tính đến cuối quý II, chỉ số S&P GSCI tăng gần 31% so với đầu năm và 64,6% so với quý II/2020. Giá cả hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng mạnh hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 52,6% của ngành hóa chất so với cùng kỳ; ngành khai khoáng và dầu khí đều ghi nhận lợi nhuận dương so với mức lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành thực phẩm có sự đối lập khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và đường được hưởng lợi thì nhóm sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và sản xuất thịt phải đối mặt với áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng. Do đó lợi nhuận ròng quý II của doanh nghiệp thực phẩm nói chung tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp VN30 tăng trên 100%

Theo VNDirect, có 19 công ty trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực, dẫn đầu là PNJ tăng trưởng 606% so với cùng kỳ, MSN (254%) và HPG (254%). Kết quả tích cực của PNJ đến từ doanh thu tăng trưởng hơn 62% từ đáy quý II/2020 và biên lãi gộp tăng 1,5 điểm phần trăm. 

Lợi nhuận tăng trưởng của MSN được đóng góp bởi các nhân tố: Biên EBITDA cao hơn từ chuỗi bán lẻ VCM; giá bán các sản phẩm khai khoáng cao hơn của MSN; và tăng trưởng mạnh về lợi nhuận của công ty liên kết Techcombank (TCB).

Trong số các ngân hàng, STB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất từ mức cơ sở thấp quý II/2020, tăng 10% so với cùng kỳ. 

Tổng lợi nhuận quý II của 700 doanh nghiệp niêm yết tăng 66% so với cùng kỳ - Ảnh 3.

Tăng trưởng lợi nhuận của 26 doanh nghiệp trong rổ VN30. (Nguồn: VNDirect Research, báo cáo công ty).

Ở chiều ngược lại, VJC, VIC và CTG là những cái tên ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất. 

Trong quý II, VJC không còn ghi nhận lợi nhuận khác lớn như cùng kỳ năm trước (1.773 tỷ đồng so với lợi nhuận trước thuế cùng kỳ là 1.014 tỷ), trong khi mức lỗ lớn của VinFast đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của VIC trong kỳ. Cả hai ngân hàng lớn là CTG và VCB đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm do chi phí dự phòng tăng mạnh.

Theo VNDirect, biên lợi nhuận gộp (không bao gồm ngành ngân hàng) trong quý II đã tăng đáng kể nhờ hai yếu tố chính: Biên lợi nhuận gộp của ngành bất động sản, hóa chất và thép khả quan hơn cùng kỳ và sự phục hồi của các công ty vận tải.

Ngành nào tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý II? - Ảnh 4.

Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay đã cho thấy những tác động cụ thể khi chi phí lãi vay bình quân của các doanh nghiệp giảm còn 5,8% so với 6,4% ở quý II năm ngoái. Tuy vậy, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp có vẻ chưa sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn, khi chỉ số D/E giảm xuống chỉ còn 0,67x trong quý II.

Tổng lợi nhuận quý II của 700 doanh nghiệp niêm yết tăng 66% so với cùng kỳ - Ảnh 4.

Chi phí lãi vay và hệ số D/E toàn thị trường. (Nguồn: VNDirect Research, báo cáo công ty).

VNDirect nhận định rằng, dù lợi nhuận toàn thị trường quý II tăng trưởng tích cực nhưng trước rào cản dịch bệnh chưa thật sự được kiểm soát, lợi nhuận toàn thị trường trong quý III sẽ bị tác động đáng kể.

Mặc dù lợi nhuận ngành vận tải và bán lẻ hồi phục tích cực trong quý II nhưng các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng sẽ làm gián đoạn đà phục hồi trong quý III. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không và đồ uống dự báo sẽ tiếp tục có thêm một quý đầy khó khăn.

Tường Vy

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.