|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân phối ô tô thu bộn tiền nhờ nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm

13:45 | 04/08/2021
Chia sẻ
Tuy không được sự hỗ trợ từ Nghị định 70/2020, các doanh nghiệp ô tô vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số nhờ nhu cầu tăng cao.
Doanh nghiệp ô tô thu bộn tiền nhờ thị trường khởi sắc, nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Chiếc Lux SA2.0 của hãng VinFast tại một Trung tâm thương mại ở Hà Nội. (Ảnh: Tường Vy).

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 6, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 135.606 chiếc, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo từ BVSC cho biết ngành ô tô Việt Nam trong dài hạn vẫn lạc quan nhờ tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức thấp, tầng lớp có thu nhập trung bình đang gia tăng và cơ sở hạ tầng được đầu tư.

Trên thị trường, các hãng ô tô phải chịu áp lực cạnh tranh dài hạn, đặc biệt là các sản phẩm phân khúc giá rẻ cho đến trung cấp từ VinFast do hãng này đang lên kế hoạch nhắm tới việc xuất khẩu ô tô điện ra các thị trường.

Thực tế, Nghị định 70/2020 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với tỷ lệ 50% đã hết hiệu lực từ cuối tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm nay cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh ô tô đang dần phục hồi với lợi nhuận sau thuế  (LNST) đạt hai chữ số.

Doanh nghiệp ô tô kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm

CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - Mã: HAX), đơn vị dẫn đầu trong 3 nhóm đại lý lớn của Mercedes-Benz Việt Nam, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và nửa đầu năm 2021.

Theo đó, lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của Haxaco đạt 2.687 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi trước thuế của công ty đạt 78 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ và thực hiện 62% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.

Tính riêng quý II, doanh thu thuần của Haxaco đạt 1.250 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ. Nhờ lãi từ hoạt động khác hơn 8 tỷ đồng nên Haxaco đã thoát lỗ và lãi sau thuế gần 6 tỷ đồng, giảm 27%.

Haxaco cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp trong quý II, công ty đã thực hiện các phương án kiểm soát dư nợ vay ngân hàng, điều này khiến cho chi phí lãi vay giảm đáng kể so với cùng kỳ. Đồng thời, công ty cũng thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí và đẩy mạnh quảng cáo thúc đẩy bán hàng.

Doanh nghiệp ô tô thu bộn tiền nhờ thị trường khởi sắc, nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II của các doanh nghiệp.

CTCP City Auto (Mã: CTF), một đại lý ủy quyền của Ford Việt Nam, đạt 2.497 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm, tăng 18% so với cùng kỳ, LNST đạt gần 17 tỷ đồng cao gấp 33 lần cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, City Auto đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với sản lượng xe kế hoạch tiêu thụ 8.734 xe (tăng 134% so với năm ngoái), doanh thu đạt 7.380 tỷ đồng và LNST đạt 80 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ thực hiện được 34% mục tiêu về doanh thu và 21% kế hoạch lợi nhuận năm.

Riêng quý II, doanh thu City Auto đạt 1.356 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ. Các chi phí ăn mòn lợi nhuận nhưng nhờ khoản thu nhập khác 2,3 tỷ đồng, chủ yếu từ việc thu hỗ trợ chi phí tổ chức sự kiện, tổ chức bán hàng cho nhà cung cấp nên City Auto vẫn ghi nhận LNST quý II gần 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận hơn 83 triệu đồng.

Tương tự, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico - Mã: SVC) cũng công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng nửa đầu năm. Doanh thu thuần đạt 7.060 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. LNST đạt 141 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 59% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong quý II, góp phần vào kết quả kinh doanh của Savico phải kể đến khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết, chỉ tiêu này đạt hơn 27,6 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Savico cho hay thị trường ô tô đã hồi phục từ quý IV năm ngoái với nhu cầu tăng cao, lượng cung hạn chế. Nhờ vậy, các đơn vị đã tận dụng tốt cơ hội khi thị trường khan hiếm hàng và giữ được lãi gộp khá. 

Cùng với các chương trình khuyến mãi, tiết kiệm chi phí, sản lượng ô tô toàn thị trường của công ty trong quý II tăng hơn 20% so với cùng kỳ dẫn đến hiệu quả kinh doanh tốt.

Doanh nghiệp ô tô thu bộn tiền nhờ thị trường khởi sắc, nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II của các doanh nghiệp.

Đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA), lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.044 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. LNST đạt 3.155 tỷ đồng, tăng 39%, thực hiện 53% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong đó, chỉ riêng phần lãi trong các công ty liên doanh liên kết (chủ yếu gồm Honda, Toyota và Ford) đã tăng mạnh 45% lên 2.813 tỷ đồng. Quý II, doanh thu thuần của VEAM đạt 1.068 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, LNST tăng 80% lên 1.709 tỷ đồng.

CTCP Kỹ thuật ô tô Trường Long (Mã: HTL) báo doanh thu thuần 6 tháng tăng 50% so với cùng kỳ lên 482 tỷ đồng nhờ số lượng xe xuất bán quý II năm nay của công ty cao hơn so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lãi gộp tăng, đạt gần 19 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng mạnh nhưng công ty ghi nhận khoản thu nhập khác tăng 77% lên 4,6 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tiền thưởng và tiền hỗ trợ từ nhà cung cấp. Kết quả, lãi sau thuế của Trường Long tăng lên mức 12 tỷ đồng, thực hiện 68% kế hoạch lợi nhuận năm.

CTCP Ô tô TMT (Mã: TMT) đạt 1.155 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu, tăng hơn 59% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 44,5% lên 104 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 3 tỷ đồng tăng 121% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính giảm còn gần 19 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh lên 35,3 tỷ đồng. 

Mặt khác, khoản thu thập khác biến động mạnh, từ 27,6 triệu đồng 6 tháng năm trước lên gần 2 tỷ đồng 6 tháng đầu năm nay. Nhờ vậy, LNST đạt 21 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 34% mục tiêu lợi nhuận.

Thiếu hụt chất bán dẫn, giá thép cùng chip tăng cản trở đà phục hồi ngành ô tô nửa cuối năm

Trong cả năm 2021, BVSC dự báo sản lượng tiêu thụ xe toàn ngành sẽ phục hồi đáng kể, đạt 330.315 chiếc, tăng 11,4% so với năm 2020 và tăng 2,6% so với mức trước dịch (321.811 chiếc). Điều này đạt được nhờ sự thúc đẩy của môi trường lãi suất thấp và niềm tin tiêu dùng được cải thiệu hậu đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, SSI lại cho rằng doanh số ô tô dự kiến giảm trong nửa cuối năm nay do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều đại lý bán ô tô trên toàn quốc.

Mặt khác, sự tăng trưởng doanh thu ngành ô tô nửa cuối năm sẽ chậm lại so với cùng kỳ do chịu tác động từ việc không được hỗ trợ từ Nghị định 70 và dự kiến không có gói ưu đãi tương tự được áp dụng trong năm nay. Đồng thời, sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu dự kiến gây ảnh hưởng đến việc ra mắt các mẫu ô tô mới chậm lại đáng kể trong vòng 6 - 12 tháng tới.

Bản thân hãng Savico nhận định rằng đợt dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 6 vừa rồi chủ yếu tác động lên sức mua, cung cầu thị trường và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của toàn hệ thống công ty trong quý III.

Theo SSI, với doanh số bán chậm cùng sức cạnh tranh gay gắt và chi phí nguyên vật liệu (từ thép đến chip vận hành) tăng, dự kiến lợi nhuận ngành ô tô chỉ phục hồi ở mức một chữ số trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, dù giá thép tăng và tình trạng thiếu chip khiến tỷ suất lợi nhuận các công ty sản xuất ô tô suy giảm nhưng SSI cho rằng giá bán bình quân các mẫu ô tô trong nửa cuối năm sẽ không thay đổi nhiều. Nguyên nhân là các thương hiệu ô tô như Thaco, VinFast và các công ty mới từ Trung Quốc như MG & BAIC tiếp tục duy trì mức giá rất thấp để giành thị phần.

Năm 2022, tỷ lệ sở hữu ô tô hiện nay ở Việt Nam đang ở mức thấp, sự gia tăng số lượng mẫu xe mới và sự ra mắt của các thương hiệu ô tô mới có thể đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng. Ngoài ra, xu hướng xe điện tại Việt Nam, dẫn đầu là các mẫu xe điện của VinFast, sẽ thúc đẩy tổng nhu cầu ô tô trong nước tăng trong năm sau.

Tường Vy