|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơ sở nào cho HAGL hồi tố báo cáo tài chính năm 2018 và 2019?

15:08 | 10/03/2021
Chia sẻ
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAGL) vừa có văn bản giải trình thêm về việc điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2018 và 2019 đã kiểm toán.

HAGL cho biết những năm trước đó, dựa vào tình hình khả quan của thị trường liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ban tổng giám đốc đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu là cao.

Sang năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp càng rõ ràng hơn. Vì vậy, ban tổng giám đốc nhận thấy các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá thận trọng nhất nên đã quyết định điều chỉnh hồi tố BCTC đã kiểm toán năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp cho BCTC năm 2020 không bị tiếp tục ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

HAGL nói thêm, trong tương lai khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần dần. 

Với số liệu trên BCTC hợp nhất, HAGL cho biết dựa trên ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng năm 2018, 2019 lần lượt là gần 7.595 tỷ và 10.505 tỷ đồng đồng.

Khoản phải thu nằm phần lớn ở CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Lê Me. Tổng giá trị trích lập dự phòng là 4.957 tỷ đồng cuối năm 2018 và 5.057 tỷ đồng hết năm 2019.

HAGL - Ảnh 1.

Nguồn: HAGL

HAGL cho biết cơ sở lập dự phòng của các khoản công nợ trên bằng các nguồn gồm tài sản thuần của Chăn nuôi Gia Lai và Công ty Lê Me có thể thu hồi sau đó cấn trừ đi các khoản phải trả và bảo lãnh của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT và các cá nhân có liên quan.

Cơ sở nào để HAGL hồi tố BCTC năm 2018 và 2019? - Ảnh 2.

Chi tiết cơ sở trích lập dự phòng (Nguồn: HAGL)

Sau hồi tố, tính đến ngày 31/12/2020, HAGL đang ôm khoản lỗ lũy kế 5.086 tỷ đồng. Công ty trình bày lại khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2019 là 4.625 tỷ đồng.

Tuy nhiên, BCTC hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán trước hồi tố của HAGL lại có lãi lũy kế 291 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm, tức sau hồi tố HAGL đã điều chỉnh tăng khoản lỗ luỹ kế thêm gần 4.916 tỷ đồng.

Như vậy, con số lỗ lũy kế từ năm 2019 đến năm 2020 mà HAGL thực tế ghi nhận lên tới 5.376 tỷ đồng.

Một điểm cần lưu ý là đầu tháng 9/2020, HAGL đã thực hiện chuyển số dư nợ cho vay và nợ phải thu của Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần. Số lượng cổ phần chuyển đổi là hơn 586,5 triệu cổ phần, tương ứng với số dư nợ cho vay và phải thu chuyển đổi là 5.866 tỷ đồng. 

Việc hoán đổi khoản phải thu lấy cổ phần của Chăn nuôi Gia Lai khiến báo cáo tài chính quý III/2020 ghi nhận lợi thế thương mại tăng 5.650 tỷ lên 6.560 tỷ đồng vào cuối quý. 

Tới cuối năm 2020, khoản lợi thế thương mại của HAGL trên BCTC chỉ còn gần 694 tỷ đồng. Cũng trong quý IV/2020, HAGL đã tiến hành hồi tố BCTC, đẩy một phần lỗ sang năm 2019 nên khoản lỗ sau thuế hết năm 2020 chỉ còn 2.175 tỷ đồng. 

Theo góc độ giải thích của HAGL thì COVID-19 là nguyên nhân chính khiến công ty xem xét lại việc trích lập dự phòng sau nhiều năm kiểm toán có ý kiến về các khoản phải thu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo chuyên gia Phan Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia), Giám đốc Hãng tư vấn AFA Research & Education nhận định thì quý IV/2020, HAGL dự phòng cho khoản lợi thế thương mại sau ghi hoán đổi cổ phần với Chăn nuôi Gia Lai. Nhưng HAGL đã thực hiện hồi tố và ghi nhận lỗ gần 4.916 tỷ đồng trên BCTC năm 2019.

Hoàng Kiều