|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu của FLC chủ yếu đến từ đâu khi không còn Bamboo Airways?

09:00 | 31/07/2021
Chia sẻ
Từ quý I và II/2021, doanh thu và lợi nhuận của Bamboo Airways không còn được hợp nhất toàn bộ vào báo cáo kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC. Vì vậy, số liệu tài chính có nhiều biến động lớn.
Doanh thu của FLC chủ yếu đến từ đâu khi không còn Bamboo Airways? - Ảnh 1.

Một mô hình tàu bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền).

Bamboo Airways không còn là công ty con

Trong quý II vừa qua, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.266 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nửa đầu 2021, doanh thu đạt 3.826 tỷ đồng, giảm 41%.

Theo giải trình của FLC, nguyên nhân khiến doanh thu đi xuống là dịch COVID-19 làm cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra còn phải kể đến một nguyên nhân quan trọng khác là FLC không còn hợp nhất báo cáo tài chính của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Ngày 5/2 năm nay, Bamboo Airways tăng vốn từ 7.000 tỷ lên 10.500 tỷ đồng. Do Tập đoàn FLC chỉ góp 550 tỷ trong số vốn 3.500 tỷ tăng thêm nên tỷ lệ sở hữu tại hãng hàng không này giảm từ 51,29% xuống còn 39,4%.

Như vậy, từ ngày 5/2 trở đi, Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC. Đến tháng 4, Bamboo Airways tăng vốn thêm hai lần nữa lên 12.500 và 16.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của FLC tiếp tục giảm xuống còn 25,88%.

Trong cả hai quý I và II năm nay, FLC đều không hợp nhất báo cáo tài chính của Bamboo Airways như các năm trước.

Hệ quả là, trong nửa đầu 2020, FLC ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ (bao gồm dịch vụ hàng không của Bamboo Airways) hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu. Đến nửa đầu năm nay, khoản mục này chỉ còn 335 tỷ và chiếm gần 9%.

Doanh thu của FLC chủ yếu đến từ đâu khi không còn Bamboo Airways? - Ảnh 3.

FLC chuyển lỗ thành lãi

Trong quý II vừa qua, tuy doanh thu sụt giảm và lỗ gộp 49 tỷ đồng nhưng FLC vẫn có lãi sau thuế 22 tỷ, trái ngược với số lỗ gần 900 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan này đạt được là nhờ doanh thu hoạt động tài chính 455 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, FLC báo lãi sau thuế 64,6 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 1.582 tỷ. Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận gần 600 tỷ, trong đó lãi tiền gửi và tiền cho vay là gần 190 tỷ, thanh lý các khoản đầu tư 410 tỷ.

Chi phí lãi vay phải trả trong 6 tháng là 141 tỷ đồng, ít hơn tiền lãi cho vay mà FLC thu về.

Quý II/2021 cũng là quý có lãi thứ 4 liên tiếp của Tập đoàn FLC sau khi thua lỗ trong quý I và II/2020.

Doanh thu của FLC chủ yếu đến từ đâu khi không còn Bamboo Airways? - Ảnh 4.

Doanh thu tài chính giúp FLC có lãi ròng trong nửa đầu năm nay.

Việc tách riêng kết quả kinh doanh của Bamboo Airways khiến cho doanh thu hợp nhất của FLC đi xuống nhưng có thể coi là tác động tích cực với lợi nhuận. 

Trong nửa đầu năm nay, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát đợt 3 vào giai đoạn cao điểm Tết Tân Sửu và đợt 4 từ cuối tháng 4 đến nay vẫn diễn biến phức tạp.

Ngành hàng không do vậy vẫn chưa thể hồi phục như kỳ vọng, số chuyến bay của nhiều hãng sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines ước tính lỗ trên 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, Vietjet thoát lỗ nhờ có doanh thu hoạt động tài chính gần 1.800 tỷ. 

Kết quả kinh doanh của Bamboo Airways nhiều khả năng cũng khó khăn không kém các hãng khác, nếu hợp nhất sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới con số lợi nhuận của FLC.

Thời điểm đầu tháng 6 năm nay, cổ đông lớn nhất sở hữu 56,5% vốn của Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Đức Quyền - Song Ngọc