|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ocean Group thoát lỗ quý II nhờ giảm nợ sau phán quyết của toà về tranh chấp với EVN Finance

11:04 | 30/07/2021
Chia sẻ
Ocean Group ghi nhận lợi nhuận chủ yếu phát sinh từ kết quả giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch đặt mua cổ phần OCH phát sinh trước đây.

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã: OGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 119 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp giảm 5% còn 33 tỷ đồng do giá vốn hàng bán tăng. Biên lãi gộp giảm 2,1 điểm phần trăm trong quý II xuống còn 28,1%. 

Tổng các chi phí, đặc biệt là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khiến OGC ghi nhận mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 15 tỷ đồng trong quý II.

Ocean Group lãi ròng 51 tỷ đồng quý II sau tranh chấp liên quan tới cổ phần OCH - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Ocean Group.

Theo OGC, công ty chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm doanh thu của hệ thống khách sạn giảm, trong khi giá vật liệu đầu vào của mảng sản xuất thực phẩm tăng.

Quý II, OGC ghi nhận giảm các khoản công nợ phải trả Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) sau khi có phán quyết của tòa án về tranh chấp liên quan đến giao dịch đặt mua cổ phần OCH phát sinh từ năm 2014.

Kết quả giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch phát sinh trước đây dẫn tới lãi sau thuế thuộc về cổ đông OGC đạt 51 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của OGC đạt 221 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 88% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty 41 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2020.

Năm 2021, OGC đặt mục tiêu doanh thu 968 tỷ đồng, LNST 40 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã đạt khoảng 23% mục tiêu doanh thu và 40% kế hoạch LNST năm.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, tổng tài sản của OGC đạt 3.724 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn 943 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản. Tổng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 433 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm.

Tổng nợ phải trả của OGC đạt gần 2.481 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 153 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm, toàn bộ là nợ vay dài hạn. Nợ vay chiếm khoảng 12% vốn chủ sở hữu tính ở thời điểm cuối quý II.

Giữa năm 2014, OGC và EVN Finance có phát sinh hợp đồng đặt cọc mua cổ phiếu ký. Theo thỏa thuận, EVN Finance sẽ đặt cọc số tiền 240 tỷ đồng để đảm bảo OGC ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại dương trong thời hạn 6 tháng.

Nếu không ký được hợp đồng, OGC phải hoàn trả 240 tỷ đồng và khoản tiền cố định 9,8 tỷ đồng và không hoàn trả đúng hạn sẽ phải chịu lãi chậm thanh toán.

Sau đó, OGC đã không ký được hợp đồng, hai bên cũng không thống nhất được cách để giải quyết vấn đề nên EVN Finance đã khởi kiện OGC ra tòa án.

Năm 2015, UBCK có công văn đồng ý sử dụng phương thức chuyển quyền sở hữu tại Trung tâm Lưu ký (VSD) để xử lý tài sản cầm cố nói trên. EVN Finance chuyển nhượng 19,95 triệu cổ phiếu OCH, 50.000 cổ phiếu còn lại được xử lý vào tháng 11 và 12/2017. Tuy nhiên, EVN Finance cho rằng không thu hồi đủ số tiền 240 tỷ đồng nên tiếp tục khởi kiện OGC.

Công ty yêu cầu OGC phải trả số tiền 115,5 tỷ đồng, bao gồm khoản tiền còn thiếu sau khi xử lý tài sản cầm cố là 60 tỷ đồng; khoản tiền cố định 9,8 tỷ đồng theo hợp đồng và lãi chậm thanh toán. Trước tình huống trên, OGC liên tục phản tố.

Tới năm 2020, tòa án phúc thẩm xác định OGC vi phạm hợp đồng, vì vậy phải bồi thường theo thỏa thuận. Về việc EVN Finance nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần OCH với giá 12.000 đồng/cp nhằm thực hiện bù trừ, tòa án cho rằng tổng giá trị vừa bằng 240 tỷ đồng đặt cọc nên không có căn cứ buộc OGC phải thanh toán thêm số tiền hơn 59 tỷ đồng - đây cũng chính là số tiền mà OGC ghi nhận lợi nhuận khác trong quý II năm nay.

Như vậy, tổng cộng OGC phải thanh toán cho EVN Finance số tiền là 22,5 tỷ đồng.

Tường Vy