Ocean Group có kế hoạch tăng vốn, bầu bổ sung loạt nhân sự cấp cao
Sáng 28/2, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường xoay quanh việc kiện toàn bộ máy nhân sự. Buổi họp có sự tham gia của 12 cổ đông, đại diện cho hơn 54,91% cổ phần có quyền biểu quyết.
Cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm ba thành viên HĐQT gồm bà Phạm Thị Nhung, bà Nguyễn Thị Thanh Hường, bà Trần Thị Ngọc Bích, trong đó bà Ngọc Bích là thành viên độc lập.
Giải trình với cổ đông về việc nhân sự cấp cao liên tục biến động thời gian qua, bà Lê Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT cho biết đều vì lý do cá nhân và 2024 cũng là năm kết thúc với nhiệm kỳ của HĐQT và Ban Kiểm soát hiện tại.
Đồng thời đại hội đã thông qua việc bầu bổ sung 5 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ mới 2024 - 2029 gồm bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Nguyễn Dũng Minh, ông Lê Đình Quang và hai thành viên độc lập gồm bà Lê Thị Việt Nga, ông Nguyễn Đức Minh. Trong đó, bà Nga và bà Hương là hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ.
Ông Nguyễn Dũng Minh sinh năm 1982, hiện đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn MIK Group Việt Nam từ năm 2022 đồng thời là thành viên HĐQT độc lập CTCP One Capital Hospitality (Mã: OCH) từ năm 2022 tới nay. OCH là công ty con của OGC, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Ông Lê Đình Quang sinh năm 1984, đang ngồi ghế Tổng Giám đốc của OCH từ năm 2022 tới nay.
Ông Nguyễn Đức Minh cũng sinh năm 1984 và là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Atale từ năm 2023. Trước đó, ông Minh từng làm 4 năm ở Công ty Kiểm toán PwC Việt Nam (2011 - 2015) rồi chuyển sang làm 5 năm ở Công ty TNHH Linh Chi.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương sinh năm 1984, hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Bảo Lâm Holdings từ năm 2019 và cũng là thành viên HĐQT của Ocean Group từ 2015 tới nay. Tính tới hết năm 2023, Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Bảo Lâm Holdings nắm 3,82% vốn của OGC.
Còn bà Lê Thị Việt Nga sinh năm 1979, đang giữ vị trí Chủ tịch Ocean Group. Ngoài ra, bà Nga cũng đang là thành viên HĐQT CTCP Tân Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH IDS Argo Servicer - thành viên của IDS Equity Holdings. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, bà Nga chia sẻ, IDS Equity Holdings đã hợp tác với một số nhà đầu tư để thực hiện đầu tư vào OGC và nhóm cổ đông này nắm chi phối cổ phần tại đây.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng thông qua miễn nhiệm hai thành viên Ban Kiểm soát gồm bà Trần Thị Trang, ông Phạm Trung Hiếu. Đồng thời bầu bổ sung bà Dương Thị Mai Hương, bà Trần Thị Chung, bà Lê Thị Bích Hạnh.
Trong đó, bà Trần Thị Chung sinh năm 1990, đang làm Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Bảo Lâm Holdings.
Bà Dương Thị Mai Hương sinh năm 1967, đang giữ vị trí Trưởng Ban Kiểm soát tại ba đơn vị liên quan tới Ocean Group là CTCP Kem Tràng Tiền, CTCP Bánh Givral và OCH.
Bà Lê Thị Bích Hạnh sinh năm 1984, cũng đang là Kiểm soát viên của CTCP Kem Tràng Tiền, CTCP Bánh Givral và OCH.
Chia sẻ về sự xuất hiện của các thành viên mới trong HĐQT và Ban Kiểm soát, Chủ tịch OGC cho biết theo quy định, cổ đông nắm trên 10% vốn có thể đề cử một ứng viên vào HĐQT và một ứng viên vào Ban Kiểm soát. Ngoài ra, HĐQT cũng cũng chủ động tìm kiếm, lựa chọn thành viên vào HĐQT và Ban Kiểm soát.
Liên quan tới câu hỏi của cổ đông về lý lịch ông Phạm Hùng Việt (1974) - tân CEO bổ nhiệm hồi tháng 1 của OGC, ông Việt cho biết ông đã có 30 năm làm trong lĩnh vực tài chính kế toán. Trong đó ông làm việc 20 năm phụ trách kế toán thuế một tập đoàn chuyên về khách sạn du lịch. Ông cũng từng đã từng quản lý khách sạn 5 sao và cũng có kinh nghiệm trong việc tái cơ cấu, xử lý nợ.
Ráo riết thu hồi công nợ
Tại Đại hội, bà Lê Thị Việt Nga - Chủ tịch OGC chia sẻ:" Định hướng chiến lược năm 2024, OGC sẽ tập trung mọi nguồn lực vào hai trụ cột. Thứ nhất, khai thác quỹ đất sẵn có, triển khai hoạt động kinh doanh bất động sản gồm kinh doanh và phát triển các dự án bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Một số phương án kinh doanh đang được ban lãnh đạo công ty xây dựng và sẽ báo cáo tới Đại hội đồng cổ đông trong thời gian tới.
OGC có quỹ đất, thời gian tới doanh nghiệp sẽ rà soát và hoàn thiện pháp lý để triển khai dự án. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các bất động sản hiện có liên quan tới các dự án đang hoạt động bao gồm các khách sạn, văn phòng cho thuê.
Việc chuyển nhượng các bất động sản từ công ty con về công ty mẹ sẽ được ban lãnh đạo xem xét và có thể trình ĐHĐCĐ xem xét."
"Thứ hai, với các khoản công nợ và phải thu đang được ghi nhận ngoại bảng 2.594 tỷ, đây là khoản đã được trích lập dự phòng 100%. Thời gian qua công ty đã có nỗ lực thu hồi nhưng kết quả chưa nhiều.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết liệt rà soát các khoản phải thu và công nợ với đối tác để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý để thu hồi các khoản nợ này. Việc thu hồi này theo nhiều cách thức khác nhau, có thể bằng tiền, bằng tài sản, bù trừ công nợ và nếu thu hồi được sẽ mang lại nguồn lợi nhuận cho công ty", người đứng đầu OGC thông tin tới cổ đông.
Về nguồn tài chính để hiện thực hoá các chiến lược, bà Nga cho hay ban lãnh đạo đã chủ động làm việc với các ngân hàng, cùng các đối tác để có thể trao đổi hoạt động hợp tác đầu tư với các dự án mới. Bên cạnh đó, sắp tới công ty sẽ tăng vốn để nâng cao quy mô hoạt động, khi có phương án cụ thể sẽ trình cổ đông.
Tính tới cuối năm 2023, quy mô tài sản của OGC là 4.915 tỷ đồng. Công ty có khoảng 687 tỷ tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.
Tổng dư nợ vay cuối năm qua là 1.672 tỷ chủ yếu là từ ngân hàng, gấp 11 lần so với đầu năm. Trong đó dư nợ vay dài hạn tăng từ 132 tỷ đầu năm lên 1.511 tỷ do tăng mạnh dư nợ tại Ngân hàng VietinBank (1.400 tỷ).
Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2023 là 1.579 tỷ đồng trong đó công ty còn khoản lỗ luỹ kế 2.554 tỷ đồng.
Năm 2023, OGC ghi nhận 985 tỷ doanh thu thuần, giảm gần 3% so với năm 2022 song lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 105 tỷ, gấp 2,6 lần cùng kỳ.