Doanh thu tài chính gần 1.800 tỷ giúp Vietjet có lãi trong quý II
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu 4.337 tỷ đồng. Các khoản giảm trừ doanh thu vọt lên tới 796 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái và quý I năm nay đều bằng 0.
Vietjet không thuyết minh cụ thể tại sao số giảm trừ đột ngột tăng mạnh. Có thể đây là số tiền vé, phí soi chiếu tại sân bay mà Vietjet hoàn trả cho hành khách khi có chuyến bay bị hủy.
Doanh thu thuần do vậy còn 3.542 tỷ đồng, giảm gần 29% so với cùng kỳ. Lỗ gộp trong quý II là 1.278 tỷ đồng, cao gấp 11,7 lần quý II/2020.
Tuy nhiên, Vietjet ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.757 tỷ đồng, tăng 126%. Trong đó, lãi tiền gửi và cho vay là hơn 132 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá 21 tỷ, còn lại hơn 1.600 tỷ là "thu nhập tài chính khác".
Khoản lãi bất thường này đã giúp Vietjet xóa lỗ gộp và ghi nhận lãi sau thuế 4,5 tỷ đồng trong quý II.
Tổng cộng 6 tháng đầu năm nay, Vietjet báo cáo doanh thu thuần 7.590 tỷ, giảm 30,4% so với nửa đầu 2020.
Ngược lại, doanh thu tài chính cao gấp ba lần giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng 174% lên 128 tỷ đồng.
Cả năm 2021, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu 21.900 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện gần 35%.
Trước khi dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát vào cuối tháng 4, Vietjet lên mục tiêu doanh thu 32.000 tỷ, lãi sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi dịch lan rộng với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, Vietjet chỉ phấn đấu hòa vốn trong năm nay.
Vietjet cho biết hãng đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, hãng cũng vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng 40-45% so với cùng kỳ.
Vietjet cho biết trong thời gian tới, hãng sẽ tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện tại và triển khai giải pháp gia tăng nguồn thu khác như chuyên chở hàng hóa, mở rộng dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính và dự án đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Vietjet cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách miễn, giảm một số phí, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ nguồn vay thanh khoản để các hãng hàng không vượt qua đại dịch.
Vietjet kỳ vọng chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối, chiến dịch tiêm chủng vắc xin được triển khai trên toàn quốc và việc ứng dụng công nghệ tích hợp chứng nhận tiêm vắc xin sẽ giúp ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.