|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà đầu tư Hàn Quốc, Hong Kong quan tâm tới kế hoạch tăng vốn 15% của Vietjet

15:36 | 29/06/2021
Chia sẻ
Vietjet dự định phát hành trên 81 triệu cổ phiếu VJC để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2021 và 2022, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm.

Đại hội cổ đông thường niên sáng 29/6 của CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đã thông qua ba phương án huy động vốn bao gồm: 

+ Phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên 

+ Chào bán tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore, trái chủ có quyền chọn mua cổ phiếu VJC.

+ Chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ, tương đương hơn 81 triệu cổ phiếu VJC không có quyền biểu quyết, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương cho biết Vietjet đã chuẩn bị nhiều phương án huy động vốn không chỉ để vượt qua thách thức của thời COVID-19 mà còn để phục vụ cho giai đoạn phục hồi sau dịch.

Nhà đầu tư Hàn Quốc, Hong Kong quan tâm tới kế hoạch tăng vốn 15% của Vietjet - Ảnh 1.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet tại đại hội cổ đông sáng 29/6. (Ảnh chụp màn hình: Đức Quyền).

"Từ cuối quý IV/2020, chúng tôi đã nhận được những bản chào mua cổ phiếu cũng như trái phiếu. Ban quản trị rất quan tâm tới giá trị của công ty nên giá chào bán riêng lẻ sẽ được HĐQT quyết định căn cứ theo giá thị trường, trong mọi trường hợp đều phải đảm bảo quyền lợi của cổ đông và quy định của pháp luật", bà Yến Phương cho hay.

Phó Tổng Giám đốc Vietjet chia sẻ thêm rằng đã có một số ngân hàng đầu tư Hàn Quốc và tổ chức đến từ Hong Kong tỏ ý quan tâm tới việc rót vốn lâu dài vào hãng hàng không này, tuy nhiên chưa thể công bố danh tính cụ thể do các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận sơ bộ.

Trước khi công bố ba kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu nói trên, Vietjet đã xoay xở nhiều cách để có thêm dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, ví dụ như bán gần 18 triệu cổ phiếu quỹ trị giá khoảng 2.350 tỷ đồng, vay thêm 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. 

Nói về tăng vốn, một hãng hàng không khác của nước ta là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) có kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu để huy động 8.000 tỷ đồng. Nhà nước đang sở hữu 86,2% cổ phần của Vietnam Airlines nên sẽ đóng vai trò người bơm vốn chính.

Năm ngoái, Vietnam Airlines lỗ ròng tới 11.000 tỷ đồng, quý I/2021 lại tiếp tục lỗ gần 5.000 tỷ. Quốc hội đã cho phép Vietnam Airlines được chào bán mà không cần thỏa mãn điều kiện làm ăn có lãi trong năm trước năm chào bán như quy định trong Luật Chứng khoán 2019.

Chính phủ cũng đồng ý tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm đối với các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. 

Một cổ đông đặt câu hỏi rằng Vietjet có nhận được các chính sách giải cứu đặc biệt như Vietnam Airlines hay không?

Nhà đầu tư Hàn Quốc, Hong Kong quan tâm tới kế hoạch tăng vốn 15% của Vietjet - Ảnh 3.

Giai đoạn 19/5 - 18/6, Vietjet khai thác 1.320 chuyến bay với tỷ lệ đúng giờ 96,3%.

Giám đốc Điều hành Đinh Việt Phương cho biết trong năm 2020, các hãng hàng không trong đó có Vietjet đã được Nhà nước hỗ trợ rất lớn thông qua chính sách như giảm thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, giảm phí cất hạ cánh ở sân bay, gia hạn thời gian nộp thuế, ... Năm 2021, Vietjet kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ.

"Vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình phát triển của doanh nghiệp và các biện pháp khuyến nghị hỗ trợ. Với ngành hàng không, Bộ KH & ĐT đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất 0% cho các khoản vay ngắn hạn trong vòng 12 tháng", ông Phương cho biết.

"Bộ KH & ĐT cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi thông tư để cho phép kéo dài thời gian giảm 50% chi phí cất hạ cánh. Chính phủ cũng xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 2.100 đồng/lít còn 1.000 đồng/lít", Giám đốc Điều hành Vietjet nói.

Tuy nhiên theo ông Phương, "hỗ trợ lớn nhất đối với ngành hàng không là khi toàn bộ hệ thống chính trị quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Vào những ngày cuối tháng 4 khi dịch đợt 4 chưa bùng phát, thị trường hàng không nội địa đã hồi phục vượt qua giai đoạn cùng kỳ 2019".

Đức Quyền

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.