|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cùng là doanh nghiệp Nhà nước về hàng không: Vietnam Airlines lo phá sản, ACV có hàng tỷ USD gửi ngân hàng

08:24 | 21/06/2021
Chia sẻ
Trong khi các hãng hàng không như Vietnam Airlines đang thua lỗ nghìn tỷ và có nguy cơ phá sản thì đơn vị quản lý các sân bay là ACV vẫn đang sống tương đối khỏe cùng khoản tiền gửi gần 33.000 tỷ đồng.
Cùng là doanh nghiệp Nhà nước về hàng không: Vietnam Airlines lo phá sản, ACV có hàng tỷ USD gửi ngân hàng - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines tại một cảng hàng không do ACV quản lý. (Ảnh: Đức Quyền).

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là hai doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Vietnam Airlines sở hữu đội tàu bay đông đảo nhất cả nước với hơn 100 chiếc lớn nhỏ, còn ACV lại độc quyền quản lý hệ thống 22 sân bay trải dài từ bắc chí nam, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa.

Vietnam Airlines lỗ chục nghìn tỷ, ACV vẫn có lãi

Dịch COVID-19 khiến ngành hàng không nói chung gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, tác động với Vietnam Airlines dường như lớn hơn nhiều so với ACV.

Cụ thể, trong 4 quý gần đây nhất (tính tới quý I/2021), HVN lỗ sau thuế gần 13.500 tỷ đồng trong khi ACV vẫn có lãi hơn 1.000 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) của ACV cũng không âm hàng nghìn tỷ như HVN.

Thua lỗ nặng nề trong 5 quý liên tiếp đã bào mòn vốn chủ sở hữu của HVN, chỉ còn 1.030 tỷ đồng vào ngày cuối quý I vừa qua. Ngược lại, vốn chủ của ACV vẫn còn hơn 38.000 tỷ đồng, tăng hàng nghìn tỷ so với ngày cuối năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19.

Cùng là doanh nghiệp Nhà nước về hàng không: Vietnam Airlines lo phá sản, ACV có hàng tỷ USD gửi ngân hàng - Ảnh 2.

Số vốn hóa tính đến cuối phiên 18/6. Các số liệu khác tính tại ngày 31/3 hoặc lũy kế 4 quý gần nhất tính đến quý I/2021.

Trung bình mỗi cổ phiếu HVN đang phải gánh khoản lỗ gần 9.500 đồng trong khi ACV đang có EPS dương 470 đồng.

Riêng quý I vừa qua, ACV ghi nhận doanh thu 1.903 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 354 tỷ. Ngoài ra, đại gia cảng hàng không này còn có hơn 900 tỷ doanh thu hoạt động tài chính, bao gồm 423 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ và 476 tỷ lãi tiền gửi.

Tại ngày 31/3, ACV có 32.200 tỷ tiền gửi có kỳ hạn và gần 580 tỷ tiền gửi không kỳ hạn, tổng cộng khoảng 1,4 tỷ USD. Nhờ vậy mà ACV thu được lãi tiền gửi lớn hơn cả lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Về phần Vietnam Airlines, tổng công ty này lỗ gộp gần 3.900 tỷ trong quý I năm nay, doanh thu tài chính chỉ khiêm tốn 106 tỷ đồng do không có khối tiền gửi khổng lồ như ACV, lỗ sau thuế kỷ lục gần 5.000 tỷ.

Cùng là doanh nghiệp Nhà nước về hàng không: Vietnam Airlines lo phá sản, ACV có hàng tỷ USD gửi ngân hàng - Ảnh 4.

Do làm ăn thua lỗ nên các chỉ số ROA, ROE, ... của Vietnam Airlines đều âm. Số liệu lũy kế 4 quý gần nhất tính đến quý I/2021.

Tại ngày cuối quý I, HVN đang còn nợ ACV hơn 1.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong số các khách hàng của Tổng công ty Cảng Hàng không.

Các loại phí dịch vụ mà ACV thu từ các hãng bay bao gồm phí cất hạ cánh, phí cho thuê quầy làm thủ tục hành khách, phí phục vụ mặt đất trọn gói, phí dịch vụ hỗ trợ đảm bảo bay, …

Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải chuyển cho ACV phí soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà các hãng thu của hành khách thay cho ACV. Đã từng có hãng bay trong nước không chịu trả khoản phí thu hộ này, khiến ACV phải gửi công văn đòi tiền nhiều lần.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đang được định giá cao hơn nhiều so với HVN với tỷ lệ PE lần lượt là 150,6 lần và âm 2,92 lần.

Vốn hóa của ACV hiện nay là hơn 155.600 tỷ đồng (tức gần 6,8 tỷ USD), cao nhất thị trường UPCoM. HVN có giá trị niêm yết 38.400 tỷ, đứng thứ 29 trên sàn HOSE.

Cùng là doanh nghiệp Nhà nước về hàng không: Vietnam Airlines lo phá sản, ACV có hàng tỷ USD gửi ngân hàng - Ảnh 5.

Số liệu thị trường cập nhật đến ngày 18/6.

Nếu Vietnam Airlines tiếp tục làm ăn bết bát và ghi nhận lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và phải chuyển xuống giao dịch ở UPCoM cùng với ACV.

Tuy nhiên, ACV có khả năng sẽ chuyển lên niêm yết ở sàn HOSE từ năm sau do đang dần đáp ứng được một số điều kiện quan trọng.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect cho biết: Theo Quyết định số 2007/QĐ-TTg, kể từ năm 2021, ACV đã chính thức được giao quản lý tài sản khu bay và bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của khu bay thay vì ghi nhận trong khoản mục phải thu và phải trả như trước đây.

ACV đã trả về nhà nước 180 tỷ đồng lợi nhuận và ghi nhận đầy đủ trong báo cáo tài chính quý I/2021, điều này sẽ giúp loại bỏ ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán của ACV từ năm 2021 trở đi.

Với phương thức hạch toán mới, VNDirect cho rằng ACV đang theo đúng lộ trình để đủ điều kiện niêm yết trên HOSE trong năm 2022, một yếu tố quan trọng giúp thị trường định giá lại giá trị của cổ phiếu ACV.

Nguy cơ phá sản

Nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết không phải là mối quan tâm lớn nhất của Vietnam Airlines vào lúc này.

Theo một dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữa tháng 6 này, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn hơn 6.000 tỷ đồng, có khả năng lỗ khoảng 10.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm (tức là hơn 5.000 tỷ trong riêng quý II) và đang đứng bên bờ vực phá sản.

Các chỉ số về khả năng thanh khoản cho thấy rõ tình cảnh bấp bênh của Vietnam Airlines, đặc biệt là khi so với một đại gia lắm tiền mặt như ACV.

Cùng là doanh nghiệp Nhà nước về hàng không: Vietnam Airlines lo phá sản, ACV có hàng tỷ USD gửi ngân hàng - Ảnh 7.

Chỉ số thanh khoản ngắn ngạn (tài sản ngắn hạn / nợ ngắn hạn) của HVN chỉ là 0,21 lần, thấp hơn nhiều so với con số 11,67 lần của ACV. Ngưỡng giá trị an toàn là từ khoảng 1,2 lần trở lên.

Chỉ số thanh khoản nhanh (tài sản ngắn hạn ngoại trừ hàng tồn kho / nợ ngắn hạn) và thanh khoản tiền mặt (tiền mặt / nợ ngắn hạn) của HVN cũng dưới ngưỡng an toàn.

Do vốn chủ sở hữu bị bào mòn bởi thua lỗ nên tỷ lệ đòn bẩy tài chính của HVN vọt lên tới gần 59 lần, trong khi ACV chỉ là 1,47 lần.

Song Ngọc