|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản: Ngoài vay ngân hàng còn nợ người lao động và Nhà nước bao nhiêu?

15:10 | 18/06/2021
Chia sẻ
Tổng nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 31/3 năm nay là 37.028 tỷ đồng, trong đó nợ người lao động và Nhà nước hơn 1.000 tỷ.
Ngoài vay ngân hàng, Vietnam Airlines còn nợ người lao động và Nhà nước bao nhiêu tiền? - Ảnh 1.

Vietnam Airlines có nguy cơ lỗ 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, đứng trước bờ vực phá sản. (Ảnh minh họa: Đức Quyền).

Tại ngày 31/3/2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) có nợ ngắn hạn hơn 37.000 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán là khoản mục lớn nhất với giá trị hơn 16.200 tỷ. 

Đây là khoản mà Vietnam Airlines mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp (vendor) nhưng chưa thanh toán tiền. Một trong những tổ chức cung cấp dịch vụ lớn nhất cho Vietnam Airlines là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Tại ngày 31/3 năm nay, Vietnam Airlines đang nợ ACV hơn 1.000 tỷ đồng, lớn nhất trong số các hãng hàng không.

Vietnam Airlines còn ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tổng trị giá gần 12.700 tỷ. Báo cáo tài chính quý I không nêu rõ các chủ nợ của Vietnam Airlines là ai. 

Tuy nhiên, theo báo cáo hợp nhất năm 2020, các tổ chức đang cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất tại ngày 31/12 là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Tập đoàn ING, Citibank, JP Morgan Chase, HSBC, …

Ngoài ra, tại ngày 31/3 năm nay, Vietnam Airlines còn nợ ngắn hạn người lao động 711 tỷ đồng, giảm 272 tỷ so với đầu năm. Nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 293 tỷ, tăng 15 tỷ.

Ngoài vay ngân hàng, Vietnam Airlines còn nợ người lao động và Nhà nước bao nhiêu tiền? - Ảnh 2.

Tại ngày đầu năm 2020, tức là khi chưa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, số nợ của Vietnam Airlines còn lớn hơn cuối quý I/2021. Cụ thể, nợ ngắn hạn người lao động là 1.683 tỷ, còn nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 589 tỷ.

Ngoài các khoản nợ ngắn hạn, Vietnam Airlines còn có nợ dài hạn 22.522 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn  21.640 tỷ.

Nếu Vietnam Airlines phá sản, ai được trả tiền trước?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết Vietnam Airlines có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, đồng thời đang quá hạn trả nợ 6.200 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo Khoản 1, Điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, khi thẩm phán ra quyết định tuyên bố phả sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Nếu giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi trả hết cho các đối tượng trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về chủ doanh nghiệp, cụ thể với trường hợp Vietnam Airlines là các cổ đông sở hữu cổ phần HVN.

Có thể thấy, khoản nợ lương, trợ cấp của người lao động có thứ tự ưu tiên chi trả tương đối cao khi doanh nghiệp phá sản.

Ngược lại, các khoản nợ không có tài sản bảo đảm (ví dụ như các khoản cho vay tín chấp, cho mua chịu, ...) hoặc khoản vay có tài sản bảo đảm nhưng giá trị không đủ để thanh toán nợ sẽ nằm ở cuối danh sách chi trả và có nguy cơ mất vốn tương đối lớn.

Quý I năm nay, Vietnam Airlines lỗ gần 5.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày cuối quý chỉ còn 1.030 tỷ. Nếu tiếp tục thua lỗ 5.000 tỷ đồng trong quý II như dự báo, vốn chủ của Vietnam Airlines sẽ bị âm, tức là giá trị sổ sách của tài sản không đủ để trả nợ.

Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu 86,2% vốn của Vietnam Airlines, đã ban hành các chính sách đặc thù để giải cứu Tổng công ty này như cho phép phát hành tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng dù làm ăn thua lỗ và hỗ trợ lãi suất khoản vay 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý khách quan cũng như chủ quan, Vietnam Airlines chưa nhận được số tiền cứu trợ trên.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc