|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines chưa có tiền hỗ trợ 12.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways căng thẳng nguồn lực tài chính

17:13 | 16/06/2021
Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng ngành hàng không đang cực kỳ khó khăn, Vietnam Airlines đang đứng bên bờ vực phá sản, các hãng tư nhân như Vietjet Air và Bamboo Airways cũng căng thẳng về nguồn lực dự phòng tài chính.
Vietnam Airlines chưa có tiền hỗ trợ 12.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways sắp cạn nguồn lực tài chính - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines trên sân đỗ tại Nội Bài. (Ảnh: Đức Quyền).

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tuy nhiên, theo một dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) mới đây, Vietnam Airlines vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ 12.000 tỷ này.

Với kế hoạch phát hành tăng vốn, Vietnam Airlines đến nay vẫn chưa công bố bản cáo bạch và các nghị quyết HĐQT liên quan, chưa chốt danh sách cổ đông được quyền mua và chưa xác định giá phát hành. Vì vậy, có thể phải mất nhiều tháng nữa Tổng công ty này mới có thể hoàn tất thủ tục chào bán và thu về 8.000 tỷ đồng từ cổ đông.

Vietnam Airlines chưa có tiền hỗ trợ 12.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways sắp cạn nguồn lực tài chính - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines. (Nguồn: Song Ngọc tổng hợp từ HVN).

Chứng khoán HSC cho biết Vietnam Airlines có thể phát hành 592,5 triệu cổ phiếu HVN mới trong nửa cuối năm 2021 với giá 13.500 đồng/cp. Cổ đông Nhà nước đang sở hữu hơn 86% vốn điều lệ sẽ là lực lượng chính tham gia bơm vốn cho Vietnam Airlines.

Với khoản vay hỗ trợ lãi suất 4.000 tỷ đồng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết liên quan, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại từ ngày 5/4. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 Vietnam Airlines chưa nhận được khoản vay này.

Chứng khoán HSC cho rằng Vietnam Airlines có thể sẽ được vay trong tháng 6-7/2021.

Theo Bộ KH & ĐT, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, không cấp tiếp hạn mức tín dụng. 

Số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 6.200 tỷ đồng, khiến Tổng công ty này rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

"Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng", dự thảo báo cáo của Bộ KH & ĐT nhận định.

Quý I năm nay, Vietnam Airlines lỗ ròng kỷ lục gần 5.000 tỷ. Tính đến ngày 31/3, vốn chủ sở hữu  chỉ còn 1.030 tỷ đồng, lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ. Nếu thua lỗ thêm một quý nữa, nhiều khả năng Tổng công ty sẽ âm vốn chủ sở hữu và bị hủy niêm yết khỏi HOSE, chuyển xuống giao dịch ở UPCoM.

Vietjet Air và Bamboo Airways cũng chật vật trong thời dịch

Đối với các hãng hàng không tư nhân, Bộ KH & ĐT cho rằng Bamboo Airways và Vietjet Air đã rất cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính tích lũy trong giai đoạn trước. 

Tuy nhiên, dự báo hoạt động động của các hãng này sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng cũng đang khó khăn nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.  

Trong khoảng hai tuần gần đây, Vietjet đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp để tăng nguồn vốn phục vụ hoạt động.

Năm 2020, Vietjet Air báo cáo lợi nhuận sau thuế gần 69 tỷ, Bamboo Airways cũng lãi ròng hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này đạt được là nhờ hàng nghìn tỷ đồng thu nhập bất thường từ hoạt động tài chính.

Trong quý I/2021, Vietjet tiếp tục ghi nhận lãi sau thuế 123 tỷ, một phần nhờ vào doanh thu tài chính gần 1.400 tỷ.

Vietnam Airlines chưa có tiền hỗ trợ 12.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways sắp cạn nguồn lực tài chính - Ảnh 2.

Tàu bay Vietjet Air. (Ảnh: Vietjet).

Vận tải hàng không được đánh giá là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì đại dịch COVID-19. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 35% - 66% so với năm 2019 khi chưa có dịch.

Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Đợt dịch COVID-19 thứ 3 bùng phát đúng đợt cao điểm Tết Tân Sửu đã khiến doanh thu hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ 2020, nhiều hãng lỗ trong đợt Tết – điều chưa từng có trước tới nay.

"Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán", Bộ KH & ĐT nhận định.

Cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới cũng bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Nếu như COVID-19 được kiểm soát thì cũng phải đến 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch. 

Đợt dịch thứ 4 khởi phát từ ngày 27/4 đến nay chưa được dập tắt đang tiếp tục ảnh hưởng xấu tới nhu cầu du lịch và di chuyển bằng máy bay của người dân. Sau khi thất bát trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán, các hãng hàng không lại đang có nguy cơ thua lỗ tiếp trong kỳ nghỉ hè. 

Vietnam Airlines chưa có tiền hỗ trợ 12.000 tỷ, Vietjet và Bamboo Airways sắp cạn nguồn lực tài chính - Ảnh 5.

Bộ KH & ĐT đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay trong năm 2021-2023 (tương tự như chính sách với Vietnam Airlines) để giúp các hãng bay tư nhân giải quyết khó khăn về thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.