Hành trang của Bamboo Airways trên con đường IPO ở Mỹ
Bamboo Airways ấp ủ giấc mơ "Mỹ tiến" cả trong lĩnh vực hàng không lẫn chứng khoán.
Một mặt, hãng bay mang thương hiệu cây tre này muốn mở đường bay thẳng thường lệ kết nối Việt Nam với đất nước cờ hoa – điều mà chưa một hãng hàng không nội địa nào hiện thực hóa.
Mặt khác, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã công bố kế hoạch niêm yết hàng tỷ cổ phần Bamboo Airways lên sàn chứng khoán Mỹ - cũng là một điều mà chưa doanh nghiệp Việt Nam nào thực hiện nổi.
Từ ngày đầu thành lập 31/5/2017 đến nay, ông Quyết luôn giữ chức Chủ tịch của hãng hàng không này, có lúc ông còn kiêm luôn vai trò Tổng Giám đốc.
Ban đầu, Bamboo Airways có vốn điều lệ 700 tỷ đồng do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Đến nay, "cây tre Việt" đã nâng vốn lên thành 16.000 tỷ đồng, vượt qua cả Vietnam Airlines lẫn Vietjet Air.
Tỷ lệ nắm giữ của FLC giảm xuống dưới 30% nhưng ông Quyết đã nhanh chóng lấp chỗ trống bằng việc nâng sở hữu lên tới 56,5% vốn và nắm toàn quyền quyết định tại Bamboo Airways. Đồng thời, ông Quyết còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FLC. Vậy nên, có thể nói Bamboo Airways hiện vẫn là đứa con đẻ của ông Trịnh Văn Quyết.
Tháng 3 năm nay, ông Quyết công bố ý định niêm yết Bamboo trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá ban đầu dự kiến khoảng 2,6 USD/cp, tương ứng với định giá 2,7 tỷ USD.
Vị Chủ tịch này cho rằng nếu kế hoạch lên sàn diễn ra thành công như kế hoạch thì "chắc chắn hiệu quả của FLC khi đầu tư vào Bamboo Airways là rất lớn".
Đến tháng 4, ông Quyết cho biết Bamboo Airways còn có kế hoạch tham vọng hơn, đó là IPO tại Mỹ để huy động 200 triệu USD, vốn hóa dự tính 4 tỷ USD. Nếu dự định này thành hiện thực thì hiệu quả đầu tư của ông Quyết cũng như FLC sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với khi niêm yết trong nước.
Hai năm báo lãi của Bamboo Airways
Ngày 16/1/2019, Bamboo Airways cất cánh bay thương mại lần đầu tiên, chính thức gia nhập thị trường hàng không Việt Nam.
Trong hai năm đầu hoạt động, Bamboo đều báo lãi, lợi nhuận trước thuế trong hai năm 2019 và 2020 lần lượt là khoảng 13 triệu và 17 triệu USD (tương ứng khoảng 300 tỷ và 400 tỷ đồng).
Năm 2020, tuy đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng Bamboo Airways vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16% so với 2019 và đạt 175 triệu USD (tức hơn 4.000 tỷ đồng). Công suất khai thác đạt 28.444 chuyến bay, tăng gần 41% so với năm trước. Các hãng bay còn lại đều giảm khai thác khoảng 27-57% số chuyến.
Tuy nhiên, bản thân hoạt động vận tải hàng không vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho Bamboo. Trong cả hai năm gần đây, giá vốn hàng bán đều cao hơn doanh thu thuần nên dẫn tới lỗ gộp. Bù lại, hãng bay của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ghi nhận thu nhập tài chính lớn (năm 2020 là trên 200 triệu USD) nên sau khi hạch toán hết các khoản, hãng vẫn có lãi ròng.
Tính đến ngày 31/12/2020, Bamboo Airways có tổng tài sản xấp xỉ 583 triệu USD, tăng 83% so với một năm trước. Vốn chủ sở hữu đạt 327,5 triệu USD, tương ứng với vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng. Hiện nay vốn điều lệ của hãng đã được nâng lên thành 16.000 tỷ nên quy mô vốn chủ sở hữu nhiều khả năng cũng đã khác trước.
Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại ngày cuối năm là gần 95 triệu USD, tương đương khoảng 2.200 tỷ đồng.
Bay thẳng với một điểm dừng kỹ thuật
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Giao thông vận tải Mỹ đầu tháng 6 này, Bamboo Airways cho biết hãng mong muốn khai thác các chuyến bay thường lệ để vận chuyển hành khách, hàng hóa, thư tín từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tới Los Angeles và San Francisco, bang California kể từ quý III/2021.
Tần suất dự kiến là 4-7 chuyến khứ hồi/tuần, sử dụng tàu bay thân rộng Boeing 787-9. Hiện nay Bamboo có ba chiếc thân rộng loại này và đã ký hợp đồng đặt mua thêm 10 chiếc nữa.
Các chuyến bay của Bamboo dự kiến sẽ có một điểm dừng kỹ thuật ở Đài Bắc (đảo Đài Loan) hoặc Osaka, Nagoya (Nhật Bản).
Mục đích chính của điểm dừng kỹ thuật trong các chuyến bay đường dài là để tiếp thêm nhiên liệu. Hành khách thường chỉ cần ngồi yên trong máy bay, không phải lấy hành lý, không chuyển sang máy bay khác, không phải đợi nhiều giờ ở sân bay như khi quá cảnh (transit).
Việc sử dụng điểm dừng kỹ thuật là khá phổ biến, kể cả với những tàu có đủ tiêu chuẩn bay thẳng, lý do là yếu tố kinh tế. Để bay hoàn toàn không có điểm dừng, tàu bay phải được bơm xăng "đầy bình" trước khi cất cánh, làm tăng tải trọng chung của tàu bay, tiêu hao nhiên liệu khi bay sẽ lớn.
Khi có điểm dừng kỹ thuật, tàu bay chỉ cần đổ "nửa bình", rồi khi dừng giữa đường sẽ đổ thêm "nửa bình" nữa, trọng lượng tàu bay thấp hơn, tiêu tốn nhiên liệu giảm đi.
Không chỉ nuôi tham vọng bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ, Bamboo Airways còn muốn khai thác đường bay tới Vancouver, Montreal và Toronto (Canada) cũng như tới một nước thứ ba với điều kiện là cuối cùng phải bay từ nước thứ ba đó về Việt Nam.
Cuối tháng 4 vừa qua, Bamboo Airways đã khai thác loạt đường bay hồi hương tạo thành hình tam giác mở với điểm dừng ở ba quốc gia. Tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner ban đầu cất cánh từ Hà Nội đến Oslo (Na Uy) để đưa hành khách châu Âu về nước. Sau đó, máy bay di chuyển từ Oslo đến thủ đô Warsaw (Ba Lan) để đưa đồng bào Việt Nam về TP Hồ Chí Minh.