|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lộ trình tái cấp vốn đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam

21:09 | 05/04/2021
Chia sẻ
Ngày 5/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay.

Ngày 5/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo đó, tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng. Số tiền tái cấp vốn tối đa đối với từng khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với VNA không vượt quá số tiền cho vay của từng khoản cho vay VNA theo Giấy đề nghị vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn.

Lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được chuyển quá hạn.

Thời hạn tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng, tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA và không vượt quá 364 ngày.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết 4.000 tỷ đồng nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2021. Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng phải trả hết số dư gốc khoản vay tái cấp vốn.

Trường hợp tổ chức tín dụng không trả nợ vay tái cấp vốn đúng hạn, Ngân hàng Nhà nước chuyển số tiền nợ gốc vay tái cấp vốn không trả đúng hạn sang theo dõi quá hạn theo quy định về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác.

Trường hợp tổ chức tín dụng không trả nợ đúng hạn, Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ.

Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi hết số tiền tổ chức tín dụng phải trả.

Về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thời hạn tối đa không quá 3 năm, bao gồm cả thời gian cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024.

Trong thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng không quá 3 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng cho VNA vay, tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định và thực hiện trích lập dự phòng.

Trường hợp khoản nợ của VNA đến hạn trả nợ mà không được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đến ngày 31/12/2021, phải trích lập tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31/12/2022 trích lập tối thiểu 60%, từ thời điểm 31/12/2023 trích lập 100% số tiền.

Trong thời gian còn dư nợ vay tái cấp vốn, hằng tháng, trong thời hạn 15 ngày đầu tháng, tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước về dư nợ gốc các khoản cho vay VNA còn dư nợ vay tái cấp vốn trong tháng trước có xác nhận của VNA.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nguyễn Thùy Dương