|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lỗ lớn nửa đầu năm: Nhóm hàng không, vận tải, BĐS nghỉ dưỡng khốn đốn vì dịch bệnh

08:29 | 11/08/2021
Chia sẻ
Dịch COVID-19 kéo dài sang năm thứ hai đã khiến nhiều doanh nghiệp ngấm đòn, kinh doanh trượt dốc. Trong đó các khoản lỗ lớn nằm ở nhóm các doanh nghiệp hàng không, vận tải, du lịch, khách sạn thậm chí cả bất động sản cũng gặp khó vì COVID-19.
COVID-19 tiếp tục nhấn chìm những doanh nghiệp trong lỗ nửa đầu năm - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Hàng không, vận tải, bất động sản khốn đốn vì dịch

Nửa đầu năm, nhóm ngân hàng, doanh nghiệp phân bón, thép, công nghệ, viễn thông, dầu khí đua nhau báo lãi lớn thì trái lại dịch bệnh lại khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ.

Đứng đầu danh sách lỗ hàng nghìn tỷ đồng phải kể đến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN). Trước đó, công ty hàng không này cũng đã lỗ nặng trong năm COVID-19 đầu tiên.

Mặc dù đến hiện tại Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II nhưng tài liệu đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 ước tính số lỗ hợp nhất trong nửa đầu năm nay là 10.788 tỷ đồng, riêng quý II lỗ khoảng 5.900 tỷ.

lỗ - Ảnh 1.

Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) lỗ nặng hơn cùng kỳ năm ngoái hay công ty dịch vụ hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) cũng lần đầu tiên báo lỗ.

Nguyên do Taseco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn lưu trú, du lịch, suất ăn hàng không, nhà hàng, quán ăn tại các sân bay,... Khi lượng hành khách sụt giảm vì dịch bệnh, hoạt động của Taseco cũng gặp khó khăn.

Trong khi với Sasco, dịch bệnh COVID-19 đã khiến số lượng khách nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất sụt giảm mạnh, các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn tạm ngừng khai thác, kéo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty đi xuống.

Trong ngành vận tải, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) kinh doanh dưới giá vốn khi nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh trong quý II. Quý II cũng là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ dưới tác động của dịch bệnh. Tính chung cả 6 tháng, Vinasun lỗ sau thuế 97 tỷ đồng và mức lỗ này đã vượt kế hoạch lỗ 79 tỷ đồng đặt ra từ đầu năm.

Ở nhóm bất động sản, CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group - Mã: CEO) đã gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Vân Đồn. Trong khi đó, các dự án đô thị tại Hà Nội của doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý. Trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn này tiếp tục lọt vào danh sách những công ty báo lỗ.

Tương tự, CTCP Tập Đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cũng có một quý lỗ hơn 45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp lãi 33 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp cho biết, do dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài từ đầu năm nên hoạt động môi giới và kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng, công ty gặp khó khăn trong việc thu tiền khách hàng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi vòng xoáy lỗ

Đại diện cho ngành nông nghiệp, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) báo lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là gần 123 tỷ đồng sau 6 tháng, cùng kỳ năm trước lãi ròng 11 tỷ. Lỗ luỹ kế tính tới cuối tháng 6 là 2.429 tỷ đồng.

COVID-19 tiếp tục nhấn chìm những doanh nghiệp trong lỗ nửa đầu năm - Ảnh 3.

HAGL Agrico tiếp tục thua lỗ. (Ảnh minh họa: HNG).

Riêng trong quý II, chi phí lãi vay từ ngân hàng và trái phiếu ăn mòn doanh thu khiến công ty chuyển từ trạng thái có lãi 7 tỷ đồng sang lỗ ròng 129 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân thua lỗ, HAGL Agrico cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là chi phí vận chuyển tăng. Đồng thời công ty cũng thực hiện việc trích lập dự phòng.

CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) - "đứa con đầu lòng" của ngành phân đạm Việt Nam tiếp tục ghi nhận lỗ gần 415 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên đến cuối tháng 6 là 5.162 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành phân bón lỗ nặng trong bối cảnh ngành thăng hoa nhờ giá phân bón và nhu cầu tiêu thụ lên cao.

Giá dầu tăng đã tạo ra hai thái cực rõ nét trong kết quả kinh doanh ngành dầu khí nửa đầu năm do không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Trong đó, hai cái tên Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Mã: PVX) và CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVCoating - Mã: PVB) đồng loạt báo lỗ sau hai quý.

Riêng với PVX, quý II vừa qua, kinh doanh dưới giá vốn và các chi phí hoạt động trong kỳ đã khiến công ty lỗ sau thuế gần 59 tỷ đồng và là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp. Tính tới cuối tháng 6, lỗ lũy kế của PVX là 4.022 tỷ đồng.

PVX hiện đang để ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm và cho biết sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc tổng thể doanh nghiệp theo định hướng công ty mẹ tham gia trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp nhằm khắc phục khó khăn và giảm lỗ trong thời gian tới.

Đối với nhóm bất động sản niêm yết, phần lớn các doanh nghiệp đều có lãi và hơn một nửa trong số đó có lợi nhuận tăng trưởng trong quý II. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh phân khúc nghỉ dưỡng lại chìm trong thua lỗ.

Doanh nghiệp hàng không, vận tải, BĐS nghỉ dưỡng khốn đốn vì dịch bệnh, chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ - Ảnh 4.

Đáng chú ý, danh sách thua lỗ 6 tháng năm nay không còn xuất hiện cái tên quen thuộc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG). Tập đoàn của "bầu" Đức đã ghi nhận lãi ròng 28 tỷ sau hai quý đầu năm trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ ròng 1.156 tỷ đồng. Riêng quý II, công ty có lãi trở lại sau 8 quý lỗ nặng nhờ không còn phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi thậm chí còn được hoàn nhập. Song HAGL vẫn lỗ luỹ kế là 7.549 tỷ đồng tính tới hết quý II.

Báo Chính phủ mới đây đã có buổi phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên. Ông Kiên cho rằng từ tháng 1 đến tháng 6, dịch bệnh chưa lây lan trên diện rộng, các doanh nghiệp trên đà phục hồi sản xuất kinh doanh và nền kinh tế có nhiều dấu hiệu đáng mừng, kéo kết quả khả quan hơn. 

Theo chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đương đầu với muôn vàn thách thức do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, vướng mắc chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng, không vận chuyển được hàng, thiếu công nhân, lao động, các nhà máy phải giảm công suất. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nửa cuối năm.

Minh Hằng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.