Nhiều doanh nghiệp 'bỗng dưng' báo lỗ
Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) công bố báo cáo tài chính quý II với khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng, trong khi quý trước lãi 54 tỷ. Luỹ kế 6 tháng công ty thua lỗ 1.073 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn lãi 133 tỷ.
Theo giải thích của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, sở dĩ có khoản lỗ trên là do đơn vị đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị “bốc hơi” khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.
Đáng chú ý, bên cạnh khoản tồn kho lớn, nhiều nghi ngờ đặt ra cho doanh nghiệp này khi có con số vay nợ lớn. Tỷ lệ vay nợ đã tăng lên gần 86%, ăn mòn vốn chủ sở hữu của công ty. Trong thuyết minh báo cáo, có tới 11 ngân hàng đang cho doanh nghiệp này vay với tổng số tiền 1.024 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, hàng tồn kho của công ty giảm xuống còn 1.777 tỷ đồng, các khoản phải thu cũng giảm hơn 218 tỷ. Doanh thu công ty sụt giảm 34,5% xuống còn 883 tỷ đồng. Tổng tài sản bốc hơi hơn 800 tỷ xuống còn 3.573 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) do Chủ Tịch Đoàn Nguyên Đức điều hành bất ngờ báo lỗ tới 1.075 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1.000 tỷ. Đây là khoản lỗ được cho là vì thanh lý dự án bất động sản tại TP HCM 413 tỷ đồng, đánh giá lại các tài sản không hiệu quả 530 tỷ và lỗ do chi phí lãi vay lớn.
Tổng tài sản của HAG đến cuối quý II đạt 51.175 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay hiện chiếm 64,5% trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp này. Nợ phải trả đạt 33.023 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn tăng gần 2.000 tỷ đồng, lên 10.212 tỷ. Nguyên nhân do có nhiều khoản vay dài hạn đến hạn trả. BIDV vẫn là chủ nợ lớn nhất của HAGL, sau đó là Eximbank, HDBank (1.126 tỷ đồng)…
Bên cạnh các doanh nghiệp bất ngờ lỗ lớn thì trong nửa đầu năm nay còn xuất hiện nhiều doanh nghiệp nối dài những chuỗi ngày lỗ "khủng" từ các năm trước đó. Điển hình là Công ty cổ phần thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), báo cáo hợp nhất quý I, niên độ tài chính 2016-2017 (từ 1/4 đến 30/6/2016) cho thấy, doanh thu đạt 133 tỷ đồng nhưng lợi nhuận âm 5 tỷ, kéo dài chuỗi lỗ sau biến cố của lãnh đạo doanh nghiệp này. Trước đó, tại năm tài chính 2015-2016 kết thúc ngày 31/3, công ty chỉ có doanh thu thuần 507 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn hàng bán tăng đột biến lên gần 504 tỷ, cộng với việc các khoản chi phí phát sinh mạnh như chi phí tài chính tăng 6 lần, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 2 lần trước kiểm toán, dẫn đến JVC ghi nhận trong năm 2015 lỗ ròng gần 1.336 tỷ đồng, gấp 2 lần so với con số chưa kiểm toán.
Lý giải về nguyên nhân lỗ tăng mạnh, theo kiểm toán, phần lớn là do JVC phải trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi với số tiền tổng cộng 1.125 tỷ. Trong đó, công ty đã bảo lãnh cho 2 doanh nghiệp liên quan đến các thành viên của Ban giám đốc cũ và thân nhân họ. Các giao dịch này chưa được Đại hội cổ đông thông qua. Kết quả, công ty lỗ 594 tỷ đồng cho khoản bảo lãnh này và phải trích lập dự phòng tương ứng.
Không ghi nhận mức lỗ lớn như các doanh nghiệp trên nhưng Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) "lỗ chồng lỗ" 3 năm liền. Báo cáo quý II của doanh nghiệp cho thấy, doanh thu bán hàng trong quý chỉ đạt 473 triệu đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên tới 7,1 tỷ khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ 6,6 tỷ đồng và lợi nhuận chung từ hoạt động kinh doanh âm 9,6 tỷ. Lũy kế 6 tháng công ty đạt doanh thu 87 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 39,8 tỷ. Đây không phải là lần lỗ đầu tiên của công ty, bởi 3 năm trước đó doanh nghiệp liên tiếp gặp thua lỗ. Chính vì kinh doanh sa sút và lỗ liên tiếp nhiều năm liền nên cổ phiếu SQC đã bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hủy niêm yết từ 19/5 và chuyển xuống sàn giao dịch UpCoM.
Ngoài các doanh nghiệp trên, nửa đầu năm nay còn chứng kiến nhiều doanh nghiệp báo lỗ khác như Công ty cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH) - một thành viên của Tập đoàn Đại Dương, cũng công bố mức lỗ hơn 94 tỷ đồng, do phải chịu chi phí lãi vay hơn 82 tỷ và trích lập giảm giá kinh doanh chứng khoán 17 tỷ đồng.
Hay Công ty cổ phần Sông Đà 7 (SD7), trong quý II ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế âm 43 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của công ty âm 45,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 3,2 tỷ. Theo giải trình của đơn vị này, quý II doanh thu của công ty giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời, chi phí tài chính lại phát sinh hơn 55 tỷ từ phí lãi vay và dự phòng đầu tư.
Đánh giá về tình hình trên, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, 5 năm trở lại đây chưa có năm nào mà có số lượng doanh nghiệp lỗ nhiều và lớn như nửa đầu năm nay. Điều này cũng cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp trên sàn ngày càng sa sút.
"Riêng với những doanh nghiệp có khoản lỗ liên tục và trên 1.000 tỷ đồng phản ánh tình trạng hoạt động kinh doanh chưa tốt nhiều năm liền và tới nay khi hết sức chịu đựng thì đã "bùng nổ". Do vậy, nhà đầu tư nên xem xét cẩn trọng khi đầu tư vào các doanh nghiệp này", ông Khiêm nói.
Theo Hồng Châu Vnexpress