|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mức bảo hộ danh nghĩa (Nominal rate of protection) và thực tế (Effective rate of protection) là gì?

01:43 | 20/10/2019
Chia sẻ
Mức bảo hộ danh nghĩa (tiếng Anh: Nominal rate of protection) và mức bảo hộ thực tế (tiếng Anh: Effective rate of protection) có sự khác biệt về định nghĩa và cách sử dụng.
Untitled

Hình minh họa

Mức bảo hộ danh nghĩa (Nominal rate of protection)

Khái niệm

Mức bảo hộ danh nghĩa trong tiếng Anh là Nominal rate of protection.

Mức bảo hộ danh nghĩa (Nominal rate of protection) là mức bảo hộ mà các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng trong nước được hưởng khi áp dụng thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh.

Nội dung về mức bảo hộ danh nghĩa

Chẳng hạn, ban đầu sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu đều bán với giá 100 nghìn đồng. Nếu chính phủ đánh thuế vào hàng nhập khẩu bằng 10% giá trị hàng hóa thì giá hàng nhập khẩu sẽ tăng lên 110 nghìn đồng. Vì các nhà sản xuất trong nước cũng có thể bán với giá này, nên những nhà sản xuất có chi phí sản xuất cao hơn có thể gia nhập thị trường. 

Trong trường hợp đó, chúng ta nói mức bảo hộ các nhà sản xuất trong nước bằng 10% giá hàng nhập khẩu. Nếu mức bảo hộ cao hơn, những người có chi phí sản xuất cao hơn nữa cũng được bảo hộ và gia nhập thị trường hoặc không phải rời bỏ thị trường khi chính phủ mở cửa thị trường và cho phép các nhà sản xuất nước ngoài thâm nhập vào thị trường trong nước.

Mức bảo hộ thực tế (Effective rate of protection)

Khái niệm

Mức bảo hộ thực tế tiếng Anh là Effective rate of protection.

Mức bảo hộ thực tế (Effective rate of protection) là mức bảo hộ mà người sản xuất sản phẩm cuối cùng trong nước thực tế được hưởng khi áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu cạnh tranh, nhưng không phải chịu thuế hoặc chịu mức thuế thấp hơn mức thuế áp dụng cho các đầu vào nhân tố được nhập khẩu để sản xuất sản phẩm đó.

Ví dụ, giả sử ban đầu sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu đều giá 100 nghìn đồng. Giả sử giá hàng sản xuất trong nước gồm 50% giá trị gia tăng do các đầu vào của nhân tố trong nước tạo ra và do 50% nguyên liệu nhập khẩu tạo ra. 

Nếu áp dụng thuế quan bằng 10% giá trị giá trị hàng nhập khẩu, giá của nó sẽ tăng lên là 110 nghìn đồng. Nếu không áp dụng thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu, giá của nó vẫn bằng 50 nghìn đồng. Điều này cho phép giá trị gia tăng và sản phẩm cuối cùng trong nước tăng thêm 10 nghìn đồng mà không gây tổn hại gì đến khả năng cạnh tranh của nó với hàng nhập khẩu. 

Như vậy, mức bảo hộ thực tế mà nhà sản xuất trong nước nhận được là 20% (10 nghìn đồng giá trị chia cho 50 nghìn đồng giá trị gia tăng).

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

TH

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.