|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mốc lộ giới là gì? Qui định về mốc lộ giới

14:58 | 20/12/2019
Chia sẻ
Mốc lộ giới dùng để xác định giới hạn bề rộng đất dành cho đường bộ.
gettyimages-615804592

Mốc lộ giới (Ảnh: Wordpress)

Mốc lộ giới

Mốc lộ giới là cọc mốc được cắm ở mép ngoài cùng xác định ranh giới của đất dành cho đường bộ theo chiều ngang đường. (Theo Thông tư số: 06/2016/TT-BGTVT)

Qui định về mốc lộ giới

Tác dụng của cọc mốc lộ giới

Cọc mốc lộ giới là một loại báo hiệu đường bộ dùng để xác định giới hạn bề rộng đất dành cho đường bộ (gồm đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ) theo qui định của Luật Giao thông đường bộ.

Cấu tạo cột mốc lộ giới

- Cột mốc được đúc bằng bê tông không có cốt thép với kích thước (20 cm x 20 cm x 100 cm). Phần đầu cọc mỗi cạnh vát 10°, phần chôn xuống đất dài 50 cm, có bê tông chèn chân cột theo thiết kế.

- Mặt trước cột (phía quay ra đường) ghi chữ "MỐC LỘ GIỚI", chữ chìm, nét chữ màu đỏ cao 6 cm, rộng 1 cm, sâu vào trong bê tông 3 mm - 5 mm;

- Cột được sơn màu trắng. Phần trên cùng cao 10 cm (từ đỉnh cột trở xuống) sơn màu đỏ.

Cắm cột mốc lộ giới

- Đường qua khu đông dân cư, thị xã, làng, bản: bình quân cứ 100 m cắm một cột về mỗi bên đường.

- Đường qua khu vực đồng ruộng, đồi thấp, ngoài khu đông dân cư, tùy theo địa hình cụ thể mà cự li các cột thay đổi từ 500 m đến 1.000 m.

- Ở vùng núi cao chỉ cắm đại diện ở một số vị trí sao cho đủ để giúp cho quản hành lang an toàn đường bộ.

Mốc lộ giới trên các tuyến đường phải được thể hiện, lập trên bình đồ duỗi thẳng với tỉ lệ 1/10.000.

Các đơn vị quản đường có trách nhiệm cắm mốc lộ giới và bàn giao cho UBND cấp xã sở tại quản theo qui định. 

Đối với các dự án xây dựng mới, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công cắm đầy đủ mốc lộ giới và lập thành hồ sơ, sau khi hoàn thành công trình phải bàn giao hồ sơ hoàn công trong đó có hồ sơ mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ cho đơn vị quản đường bộ và UBND cấp xã sở tại quản theo qui định. (Theo Qui chuẩn Việt Nam QCVN 41:2016/BGTVT)

Hoàng Huy