|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình tổ chức lao động đơn giản (Simple structure) trong tổ chức sự kiện là gì?

21:47 | 14/10/2019
Chia sẻ
Mô hình tổ chức lao động đơn giản (tiếng Anh: Simple structure) là một trong những loại sơ đồ cơ cấu tổ chức phổ biến nhất, và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lập kế hoạch và triển khai tổ chức sự kiện.
mhdg1

Hình minh họa (Nguồn: hoevelhof)

Mô hình tổ chức lao động đơn giản

Khái niệm

Mô hình tổ chức lao động đơn giản hay Mô hình đơn giản trong tiếng Anh gọi là: Simple structure.

Mô hình đơn giản là mô hình mà người đứng đầu là nhà quản lí sự kiện, trực tiếp chỉ đạo các nhân viên nghiệp vụ tổ chức sự kiện. (xem sơ đồ sau)

mhdg

Sơ đồ 1. Mô hình tổ chức lao động đơn giản

Trong quá trình lập kế hoạch và triển khai tổ chức sự kiện, sơ đồ cơ cấu tổ chức (organisational structure) của ban tổ chức sự kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công việc nói trên.

Việc xác định một sơ đồ cơ cấu tổ chức rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tổ chức sự kiện. Cùng với mỗi mô hình cơ cấu tổ chức lao động sẽ có những chức danh tương ứng trong công việc.

Từ sự khác biệt về qui mô, loại hình sự kiện, các sơ đồ cơ cấu tổ chức trong công tác tổ chức sự kiện có thể khác nhau.

Ưu nhược điểm

- Ưu điểm:

Đây là mô hình tổ chức phổ biến nhất trong tổ chức các sự kiện nhỏ, nó linh hoạt, dễ thay đổi và thích ứng với hoàn cảnh thay đổi, các trách nhiệm thường được phân định rõ ràng - người quản lí là trách nhiệm cho tất cả các hoạt động liên quan đến sự kiện này. 

Tính linh hoạt của cấu trúc này ở chỗ nhân viên có thể kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau. Mặt khác do nhà quản lí sự kiện trực tiếp chỉ đạo nhân viên nên việc trao đổi thông giữa nhân viên và nhà quản lí thường nhanh chóng, chính xác. 

- Nhược điểm:

Tuy nhiên, ngoài một số ưu điểm nói trên mô hình này cũng có những hạn chế nhất định như: 

- Do một nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, nên tính chuyên môn hóa trong công việc sẽ bị hạn chế, mặt khác để có được nhân viên đủ khả năng tham gia thực hiện nhiều công việc, nhiều lĩnh vực là điều không đơn giản. 

- Thứ hai, mô hình này không phù hợp với các sự kiện có qui mô tương đối lớn, khối lượng công việc nhiều.

- Thứ ba, đòi hỏi người quản lí sự kiện phải có hiểu biết rất rộng (và tương đối sâu) về tất cả các lĩnh vực trong tổ chức sự kiện. 

Mặt khác nếu người quản lí sự kiện có những hạn chế về chuyên môn hoặc phong cách lãnh đạo thì rủi ro cho sự thất bại của công tác tổ chức là rất lớn vì tất cả các quyết định sẽ tập trung ở một người.

(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Tổ chức Sự kiện, 2009, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)

Tuyết Nhi