|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình thu mua của Kraljic (The Kraljic Portfolio Purchasing Model) là gì?

11:22 | 12/12/2019
Chia sẻ
Mô hình thu mua của Kraljic (tiếng Anh: The Kraljic Portfolio Purchasing Model) là một mô hình được sử dụng để xác định các chiến lược mua hàng khác nhau cho mỗi sản phẩm, cho phép doanh nghiệp phát triển các chiến lược khác nhau đối với mỗi nhà cung cấp.
Mô hình thu mua của Kraljic (Kraljic's Purchasing Model) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: cvep.com)

Mô hình thu mua của Kraljic

Mô hình thu mua của Kraljic trong tiếng Anh là The Kraljic Portfolio Purchasing Model.

Mô hình thu mua của Kraljic là một mô hình được sử dụng để xác định các chiến lược mua hàng khác nhau cho mỗi sản phẩm (hay dịch vụ), cho phép doanh nghiệp phát triển các chiến lược khác nhau đối với mỗi nhà cung cấp để quan tâm tới mỗi nhà cung cấp một cách phù hợp.

Mô hình thu mua của Kraljic là một công cụ hiệu quả hỗ trợ cho việc thảo luận, nhận biết và minh họa các khả năng chiến lược mua hàng và nguồn cung khác biệt.

Mô hình cho phép một tổ chức thực hiện chức năng mua hàng với hiệu quả và hiệu năng cao hơn theo cách tiếp cận có cơ cấu và có tính hệ thống.

Mô hình phân loại các sản phẩm trên cơ sở hai chiều: tác động tài chính và rủi ro nguồn cung. Thể hiện trong bốn góc phần tư, mỗi góc đòi hỏi một chiến lược mua hàng khác nhau:

Mô hình thu mua của Kraljic (Kraljic's Purchasing Model) là gì? - Ảnh 2.

- Hạng mục chiến lược: có rủi ro nguồn cung và tác động tài chính cao. Nhìn chung các hạng mục này hiếm, có giá trị vật chất cao như kim loại hiếm hay hợp chất có giá trị cao. Tùy thuộc vào vị thế năng lực tương đối của các bên liên quan, chiến lược mua hàng đối với các hạng mục chiến lược nhắm tới sự hợp tác hay phối hợp.

- Hạng mục đòn bẩy: là các hạng mục có rủi ro nguồn cung thấp nhưng tác động tài chính cao. Dù nguồn cung cấp dồi dào nhưng những hạng mục này rất quan trọng đối với tổ chức. Các hạng mục này đòi hỏi chiến lược mua hàng dựa trên đấu giá hoặc đấu thầu.

- Hạng mục trở ngại: có ít tác động tới lợi nhuận nhưng lại có rủi ro nguồn cung cao. Đa phần rủi ro nguồn cung này là do sự khan hiếm về sản xuất và chủ yếu là các nhà cung cấp mới với công nghệ mới. 

Chính sách mua hàng đối với các hạng mục này là nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung. Hơn nữa, phải phát triển thêm các sản phẩm và nhà cung cấp thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp.

- Hạng mục không quan trọng: có rủi ro nguồn cung và tác động tài chính thấp. Nguồn cung dư thừa và hạng mục chỉ đơn giản là cần đảm bảo đúng hiệu quả chức năng. Do việc giao nhận các hạng mục này thường tốn kém hơn chính giá trị của các sản phẩm, nên chúng đòi hỏi một chiến lược mua hàng nhắm tới việc giảm thiểu phức tạp trong hành chính và giao vận.

Phương pháp áp dụng

Tất cả các sản phẩm (và dịch vụ) trước hết phải được phân đoạn. Một nguyên tắc hữu hiệu trong việc nhóm các sản phẩm là đánh giá liệu có thể mua các sản phẩm tại một hay nhiều nhà cung cấp một cách hợp lí hay không.

Tác động tài chính và rủi ro nguồn cung được xác định cho từng phân đoạn sản phẩm:

- Tác động tài chính: liên quan tới việc một hạng mục cung cấp tác động lên lợi nhuận, được đo lường bằng các tiêu chí như: lượng mua, tỉ trọng trên tổng chi phí mua hàng và tăng trưởng kinh doanh. Số lượng mua hoặc tổng tiền liên quan càng lớn, tác động tài chính càng cao.

- Rủi ro nguồn cung: liên quan tới độ phức tạp của nguồn cung, được đánh giá theo các tiêu chí như: độ sẵn có, số lượng nhà cung cấp, nhu cầu cạnh tranh, cơ hội tự thực hiện hay mua ngoài, rủi ro lưu kho, và các khả năng thay thế. Nguồn cung cho một sản phẩm chỉ từ một nhà cung cấp mà không có nguồn thay thế thường là dấu hiệu của rủi ro nguồn cung cao.

Cuối cùng, cần xác định ranh giới giữa bốn góc phần tư bởi những gì phân biệt chính xác mức độ cao hay thấp đối với cả rủi ro nguồn cung và tác động tài chính đều ít nhiều thay đổi.

Tuy nhiên cần chú ý rằng chiến lược mua hàng phù hợp không chỉ đơn thuần được xác định hợp lí bởi việc phân loại sản phẩm mà còn bởi các lựa chọn chiến lược của tổ chức. Những khía cạnh cảm xúc và tương quan cũng quan trọng trong việc lựa chọn và duy trì các nhà cung cấp.

(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng