Lực lượng lao động (Labour force) là gì? Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động
Hình minh họa. Nguồn: Human Resources Online
Lực lượng lao động (Labour force)
Định nghĩa
Lực lượng lao động trong tiếng Anh là Labour force.
Lực lượng lao động còn gọi là dân số hoạt động kinh tế, bao gồm tất cả những người từ 15 tuổi trở lên có việc làm và những người thất nghiệp trong thời gian quan sát.
Thành phần của lực lượng lao động
Lực lượng lao động bao gồm:
- Người có việc làm
Người có việc làm là những người đã làm việc trong thời gian quan sát và những người trước đó có việc làm nhưng hiện đang nghỉ tạm thời vì các lí do như ốm đau, đình công, nghỉ hè, nghỉ lễ, trong thời gian sắp xếp lại sản xuất, do thời tiết xấu, máy móc bị hư hỏng...
- Người thất nghiệp
Thất nghiệp là những người, trong thời gian quan sát, tuy không làm việc nhưng đang tìm kiếm việc làm hoặc sẵn sàng làm việc để tạo ra thu nhập bằng tiền hay hiện vật, gồm cả những người chưa bao giờ làm việc.
Thất nghiệp còn bao gồm cả những người, trong thời gian quan sát, không có hoạt động tìm kiếm việc làm vì họ đã được bố trí một việc làm mới sau thời gian quan sát, những người đã bị buộc thôi việc không lương có hoặc không có thời hạn, hoặc những người không tích cực tìm kiếm việc làm vì họ tin rằng không thể tìm được việc làm.
Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động (participation rate)
- Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động là tỉ lệ dân số (hay nhóm dân số) chủ động tham gia hoạt động kinh tế so với dân số nói chung (hay so với một nhóm dân số nhất định như nam, nữ, độ tuổi, dân tộc, chủng tộc).
Tại bất kì thời điểm nào, những người tham gia lực lượng lao động cũng có thể đang có việc làm hoặc thất nghiệp. Vì vậy, nếu tính tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số một nước, chúng ta có thể sử dụng công thức:
Pr = LF/P0 = (E+U)/P0
Trong đó:
Pr là tỉ lệ tham gia lực lượng lao động
LF là lực lượng lao động xã hội
E là số người có việc làm
U là số người bị thất nghiệp
P0 là dân số
(Tài liệu tham khảo: Một số thuật ngữ thống kê thông dụng, Tổng cục thống kê, NXB Thống kê; Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)