|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tuyển dụng lao động (Employee Recruitment) là gì? Tổ chức tuyển dụng lao động

14:37 | 26/11/2019
Chia sẻ
Tuyển dụng lao động (tiếng Anh: Employee Recruitment) một quá trình thu hút, nghiên cứu, lựa chọn và quyết định nhận một cá nhân tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.
Tuyển dụng lao động (Labor Recruitment) là gì? Tổ chức tuyển dụng lao động - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn humanresourcesonline.net)

Tuyển dụng lao động

Tuyển dụng lao động trong tiếng Anh là Employee Recruitment.

Tuyển dụng lao động là một quá trình thu hút, nghiên cứu, lựa chọn và quyết định nhận một cá nhân tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.

Mục đích của tuyển dụng lao động là tìm ra trong số những người tham gia dự tuyển, một người phù hợp nhất với các tiêu chuẩn và yêu cầu của vị trí cần tuyển.

Tổ chức tuyển dụng lao động

Quy trình tuyển dụng lao động đang dùng phổ biến hiện nay bao gồm các bước sau đây:

Xác định nhu cầu tuyển dụng

Các doanh nghiệp thường chia nhu cầu thành 2 loại sau đây:

Nhu cầu tuyển dụng có thể dự kiến trước được, thường gặp ở các trường hợp sau:

- Do có doanh nghiệp mới được thành lập.

- Có sự quá tải của một vị trí nào đó.

- Có sự chuẩn bị về nghỉ hưu.

- Có sự thăng tiến hay thuyên chuyển được biết trước…

Nhu cầu không thể dự kiến trước được:

- Đau ốm, bệnh tật đột xuất, tai nạn hay chết. Do vắng mặt không lí do.

- Có đơn xin thôi việc vì lí do nào đó mà không thể từ chối được…

Phân tích vị trí cần tuyển dụng

Mô tả và phân tích vị trí cần tuyển người là một việc làm cần thiết và bắt buộc. Nó đảm bảo cho doanh nghiệp nhận biết rõ tường tận mọi công việc của vị trí cần tuyển.

Xây dựng các tiêu chuẩn và các yêu cầu cần tuyển dụng

Có nhiều tiêu chuẩn đối với từng loại công việc: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, các kĩ năng hoặc các kinh nghiệm cần thiết để thực hiện công việc và các đặc tính cá nhân như giới tính, trí thông minh, nhanh nhẹn, chính xác, tính cẩn thận…

Thăm dò nguồn tuyển dụng

Nguồn tuyển dụng có thể từ trong hay ngoài doanh nghiệp.

- Tuyển nội bộ là lựa chọn người lao động vào vị trí cần thiết bằng nguồn lao động có sẵn trong doanh nghiệp hoặc trường hợp cất nhắc lao động từ vị trí này sang vị trí khác bằng chính người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp.

- Tuyển bên ngoài là việc lựa chọn lao động vào vị trí cần thiết trong doanh nghiệp bằng các nguồn lao động ở ngoài doanh nghiệp. Các nguồn tuyển bên ngoài khác phong phú như: trung tâm giới thiệu việc làm, sự giới thiệu của nhân viên cũ, sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng…

Thông báo và quảng cáo tuyển dụng

Thông báo: thường dùng trong trường hợp tuyển dụng nội bộ. Khi đó chỉ cần thông báo vị trí cần tuyển, tại phòng nhân sự hay cổng doanh doanh nghiệp. Nội dung của thông báo phải cụ thể để có thể tìm được người mong muốn.

Quảng cáo: thường được sử dụng khi doanh nghiệp tuyển dụng bên ngoài, đây là một phương tiện rất hiệu quả để thu hút và hấp dẫn người dự tuyển. Việc quảng cáo tuyển người phải gắn liền với khuyếch trương và giới thiệu doanh nghiệp.

Thu hồ sơ và sơ tuyển

Sau khi thông báo và quảng cáo, bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp cần tiến hành giai đoạn tiếp nhận hồ sơ và nghiên cứu hồ sơ.

Sơ tuyển và nghiên cứu hồ sơ là việc làm rất quan trọng và cần thiết, đây là giai đoạn đầu tiên của lựa chọn nhân sự.

Phỏng vấn và trắc nghiệm

Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá tình tuyển dụng nhân viên, doanh nghiệp sẽ phát hiện và lựa chọn được người phù hợp nhất với công việc.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp tiến hành kiểm tra, sát hạch, trắc nghiệm và phỏng vấn lần lượt từng người dự tuyển, việc làm này phải do các nhà chuyên môn tiến hành.

Quyết định tuyển dụng

Quyết định tuyển dụng nhân viên được thực hiện trên cơ sở đánh giá tổng hợp cuối cùng của hội đồng tuyển dụng và giám đốc sẽ kí quyết định.

Sau đó là kí kết hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người mới được tuyển dụng. Trước khi kí kết hợp đồng, doanh nghiệp và người được kí kết hợp đồng phải thỏa thuận trước mức lương ở vị trí tuyển dụng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế và tổ chức quản lí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, NXB Đại học Xây dựng)

Đức Nhượng