|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Livestream bán hàng như các shop ở Việt Nam là xu hướng TMĐT đang làm mưa làm gió tại châu Á khiến cả thế giới chú ý

07:36 | 22/10/2021
Chia sẻ
Thương mại điện tử xã hội, nơi hàng hoá được bán thông qua mạng xã hội, đang là xu hướng nổi bật tại Trung Quốc và gần hơn là Đông Nam Á

Thương mại điện tử đang phát triển nổi bật ở Châu Á, một phần được thúc đẩy bởi những mô hình kinh doanh ấn tượng. Hai trong số đó là mua theo nhóm và mua sắm qua livestream. Mặc dù không phải những mô hình kinh doanh mới song nhiều công ty thương mại điện tử đang "gặt hái trái ngọt" nhờ hai cách tiếp cận bán hàng này, theo Fast Company.

Mua theo nhóm

2 xu hướng TMĐT đang 'làm mưa làm gió' tại Châu Á khiến cả thế giới phải chú ý - Ảnh 1.

Thành công của Pinduoduo đến từ mô hình mua hàng theo nhóm. (Ảnh: AP).

Pinduoduo, sáng lập ở Trung Quốc vào năm 2015, được xem là người khởi xướng cho xu hướng mua theo nhóm hiện đại. Công ty này hiện đang có giá trị vốn hoá 130 tỷ USD, lớn hơn so với "ông lớn" bán lẻ Target của Mỹ.

Pinduoduo chinh phục thị trường bằng cách nhắm đến thị trường tiêu dùng ở các thành phố Trung Quốc nơi người dùng di động chưa thực hiện mua sắm quá nhiều trên di động. Pinduoduo kết nối họ với những nhà cung cấp cũng chưa được phát huy hết tiềm năng, cụ thể là những người nông dân.

Các sản phẩm tươi sống của người nông dân thường không phù hợp với mô hình thương mại điện tử trực tiếp bán đến người tiêu dùng. Việc đóng gói và giao các đơn hàng nhỏ lẻ đối với mặt hàng này là cực kỳ đắt đỏ.

Nền tảng mua theo nhóm của Pinduoduo mang đến lợi ích cho cả nhóm người mua và người bán. Nó cho phép người mua quan tâm về giá có thể mua hàng với mức giá thấp hơn mức giá bán lẻ khá nhiều bằng cách mua theo nhóm với số lượng lớn.

Người nông dân có thể xử lý các đơn hàng này với chi phí tốt hơn và chuyển đến các nhà phân phối tại địa phương. Việc Pinduoduo lựa chọn đồ tươi sống làm mặt hàng cốt lõi cũng mang đến nhiều ý nghĩa vì người dùng mua thực phẩm thường xuyên hơn rất nhiều so với các mặt hàng khác, ví dụ như đồ điện tử. Từ đó, Pinduoduo trở thành một nền tảng mà người dùng thường xuyên ghé thăm.

Dù vậy, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, Pinduoduo cũng bán thêm nhiều mặt hàng khác. Hàng hoá trên Pinduoduo luôn có 2 mức giá: một mức giá mua độc lập và một mức giá thấp hơn khi mua theo nhóm. Pinduoduo cũng có thể tận dụng được dữ liệu người dùng và cung cấp cho các nhà cung ứng để họ nắm được người dùng đang muốn mua gì.

Kể từ năm 2015, Pinduoduo đã đạt đến cột mốc 255 tỷ USD giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) hàng năm cùng mức doanh thu đạt hơn 9 tỷ USD.

Nhiều startup mua theo nhóm cũng đang bắt đầu xuất hiện tại Đông Nam Á. Các "tay chơi mới" đang tuyển dụng các đại lý tại địa phương hoặc "người đứng đầu nhóm" để quản lý đầu mua hàng. Tại Việt Nam, một công ty có tên Shoppa đang tuyển dụng các "chị Shoppa" cho mục đích như vậy.

Trong vai trò là đại lý, người tham gia sẽ có một phiên bản ứng dụng riêng để thực hiện các công việc như tổ chức nhóm mua tại địa phương, nhận thông tin deal giá tốt và thu tiền thanh toán. Những người này có thể nhận được tiền hoa hồng hoặc được giảm giá khi mua sắm trên nền tảng.

Theo Fast Company, người dùng thường tỏ ra thích thú với khía cạnh xã hội mà mua theo nhóm mang lại. Đồng thời, hình thức này cũng giúp nhiều người vượt qua rào cản niềm tin khu mua hàng trực tuyến.

Livestream bán hàng

Thương mại điện tử qua livestream cũng có những đặc tính riêng và sức hấp dẫn riêng. Ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, có những công ty sở hữu nhiều studio để phục vụ riêng cho mục đích livestream bán quần áo hay đồ làm đẹp. Những livestreamer thường được lựa chọn từ nhóm những người trẻ với mong muốn trở thành những người có tầm ảnh hưởng (influencer) trong cộng đồng.

Austin Li, còn được biết đến với tên gọi "vua son môi" hay Viya là 2 trong số những influencer nổi tiếng ở mảng livestreaming tại Trung Quốc. Tại lễ hội mua sắm Singles Day của Alibaba vào hồi tháng 11 năm ngoái, doanh số bán hàng của Li và Viya đã lên tới trên 100 triệu USD.

Zhang Dayi, một nhà thiết kế thời trang, nói rằng vấn đề mấu chốt mà thương mại điện tử qua livestream giải quyết định chính là "tính chân thực". Trong một bài phỏng vấn với WWD, cô chia sẻ: "Bạn có thích xem quảng cáo không? Mọi người không tin vào quảng cáo nhưng với livestream họ biết bạn là ai và nếu như họ thích và ngưỡng mộ bạn, họ sẽ muốn bắt chước theo phong cách của bạn".

Hiệu ứng nhảy cóc

Ở Mỹ, thương mại điện tử qua livestream hay mua theo nhóm vẫn chưa đạt đến quy mô hay mức độ phức tạp như tại Châu Á. Một lý do cho điều này là bởi marketing tại Mỹ đã phát triển cao trước khi các hình thức mua sắm trên Internet xuất hiện.

Trong khi đó, tại Châu Á, thị trường thực hiện một bước nhảy kép: từ thu nhập thấp chuyển sang thu nhập cao, từ mua sắm trực tiếp chuyển lên mua sắm trên di động. Kết quả là cơ hội để tạo ra các mô hình marketing mới cho một thời kỳ mới. Bên cạnh đó, thương mại điện tử xã hội cũng được thúc đẩy nhờ sự phổ biến của các ứng dụng mạng xã hội trên di động.

Dù vậy, động lực đằng sau xu hướng này là không thể chối bỏ. Không chỉ là việc các xu hướng thương mại điện tử xã hội thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, một điều không thể phủ nhận là người dùng rất thích chúng.

Khi được hỏi về việc liệt thương mại điện tử xã hội có thể phát triển tại Mỹ và toàn thế giới hay không, ông Vinnie Lauria, đối tác điều hành quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, cho biết vấn đề nằm ở thời gian, chọn lựa thị trường, mô hình kinh doanh và quản trị hiệu quả.

Nam Khánh