Hé lộ nội tình TikTok: CEO không có thực quyền, dữ liệu chảy về Trung Quốc?
Khi kỹ sư phần mềm người Trung Quốc - Ben tới văn phòng San Jose của TikTok vào năm 2023, anh cảm thấy như mình đã bước vào một môi trường làm việc giống như ở quê nhà. Nhóm của anh có 100 người và chỉ có một số ít không phải là người Trung Quốc.
Các nhân viên đều nói tiếng Quan Thoại và xưng hô với nhau là "đồng môn" - một cách gọi thân mật được sử dụng rộng rãi trong các công ty công nghệ Trung Quốc, theo Rest of World.
Vào ngày đầu tiên, quản lý của Ben đã hướng dẫn anh sử dụng Lark - ứng dụng giao tiếp làm việc độc quyền của ByteDance. Anh ngạc nhiên khi thấy tài liệu hướng dẫn và tin nhắn công việc trên Lark chủ yếu bằng tiếng Trung.
"Đó là một cú sốc văn hóa ngược. TikTok có vẻ Trung Quốc hơn những gì tôi nghĩ", Ben nói. Nam kỹ sư trước đây từng làm việc tại một công ty Mỹ.
Nơi Ben làm việc là văn phòng lớn nhất của TikTok ở Mỹ, với hơn 4.000 nhân viên. Đội ngũ khổng lồ này được xây dựng chỉ trong hai năm. TikTok trở nên phổ biến trong giới thanh thiếu niên Mỹ trong thời kỳ đại dịch và hiện có 170 triệu người dùng tại đây.
Năm ngoái, doanh thu được báo cáo của ByteDance gần như bằng Meta, biến đây thành một trong những công ty công nghệ internet sinh lợi nhất thế giới. Nhưng ở Mỹ, TikTok cũng gặp phải những cáo buộc về khả năng kiểm duyệt nội dung và vi phạm bảo mật dữ liệu. Nền tảng này đang đối mặt với lệnh cấm từ chính phủ Mỹ.
TikTok đã bổ nhiệm các giám đốc điều hành không phải người Trung Quốc với CEO Shou Zi Chew - một người quốc tịch Singapore. Tuy nhiên, theo Rest of World, nhiều nhân viên của TikTok cho biết mối quan hệ của TikTok với ByteDance sâu sắc hơn những gì công ty thể hiện. Họ nói rằng các giám đốc của ByteDance, chứ không phải ông Chew, mới là người đang quản lý các phòng ban then chốt bao gồm hàng nghìn nhân viên của TikTok tại Mỹ. Trong những năm gần đây, các nhà quản lý từ Douyin, ứng dụng chị em của TikTok ở Trung Quốc, đã được điều chuyển sang Mỹ.
Mối quan hệ sâu sắc giữa ByteDance và TikTok nhấn mạnh thách thức trong việc tách rời hai thực thể này, đồng nghĩa với việc thoái vốn có thể khiến TikTok mất đi nhân sự quản lý và công nghệ chủ chốt của Trung Quốc.
Đơn cử, nhóm của Ben đang thực hiện tối ưu hóa luồng quảng cáo hiển thị cho người dùng để tối đa hóa tỷ lệ chuyển đổi nhấp chuột, do đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Các nhà quan sát ngành coi khả năng tối ưu, cùng với chức năng tìm kiếm mạnh mẽ của TikTok và thuật toán đề xuất là một trong ba "gia vị bí mật" của ứng dụng.
Tuy nhiên, Ben cho biết phòng ban của anh báo cáo với Zhang Lidong, cựu lãnh đạo của ByteDance, Giám đốc thương mại hóa của công ty, chứ không phải ông Chew. Ben nói rằng các quyết định trong nhóm của anh thường chỉ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của một quản lý cấp cao ở Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của TikTok nói với Rest of World rằng họ luôn minh bạch về mối quan hệ giữa TikTok và ByteDance và phủ nhận những thông tin mà tạp chí này cung cấp.
"Giám đốc điều hành của chúng tôi, Shou Zi Chew, có thẩm quyền đối với ngân sách và chiến lược của TikTok. Các dự án quan trọng và chi phí vốn được phối hợp với công ty mẹ, tuân theo các nghĩa vụ ủy thác phù hợp. Những nghĩa vụ đó bao gồm trách nhiệm đối với Hội đồng quản trị và các nhà đầu tư của chúng tôi, trong đó khoảng 60% là nhà đầu tư quốc tế, 20% là những người sáng lập công ty và 20% là nhân viên của chúng tôi - bao gồm hàng nghìn người Mỹ," phát ngôn viên cho biết.
TikTok không trả lời yêu cầu của Rest of World về việc làm rõ thông tin chưa đúng hoặc "các dự án quan trọng" nào tại TikTok liên quan đến việc phối hợp với ByteDance.
Theo tuyên bố năm 2023 mà TikTok đăng tải, công ty tuyên bố rằng ông Shou Zi Chew giám sát "tất cả các quyết định quan trọng hàng ngày và chiến lược". Trong một lá thư năm 2022 gửi cho các nhà lập pháp Mỹ, TikTok cho biết ByteDance có đóng một vai trò trong việc tuyển dụng nhân sự chủ chốt tại TikTok, nhưng công ty do ông Chew lãnh đạo. Thực tế, nhiều nhân viên tiết lộ cac quyết định chiến lược và nhân sự chủ chốt tại TikTok đến từ các giám đốc điều hành của ByteDance.
Nhân viên và quản lý gọi công ty là "ByteDance" và "TikTok" một cách hoán đổi cho nhau, vì hầu hết các nhóm kỹ thuật đều hợp tác chặt chẽ với các nhân viên Douyin ở Trung Quốc. Một kỹ sư cấp cao của TikTok nói với Rest of World rằng anh ước tính các nhóm kỹ thuật, bao gồm kỹ sư phần mềm, quản lý sản phẩm và nhà thiết kế trải nghiệm người dùng, có 40% đến 60% thành viên của họ làm việc tại trụ sở Trung Quốc.
"Vì Douyin thành công rực rỡ, nên có một phản ứng theo bản năng là, hey, chúng ta cần phải sao chép điều đó ở nước ngoài", Chris Pereira, người sáng lập công ty tư vấn iMpact chuyên tư vấn cho các công ty Trung Quốc về mở rộng toàn cầu, nói với Rest of World.
Tuy nhiên, với những đội ngũ tiếp xúc với khách hàng, người dùng hay nhà lập pháp Mỹ thì tỷ lệ người Trung Quốc thấp hơn rất nhiều.
Nhóm An ninh Dữ liệu Mỹ, được thành lập để bảo vệ dữ liệu người dùng nước này và giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ, chỉ tuyển dụng công dân Mỹ hoặc thường trú nhân.
Các nhân viên cấp cao cho biết sự phụ thuộc vào các giám đốc điều hành của ByteDance tại TikTok gắn liền với mong muốn của công ty sao chép lại lợi nhuận khổng lồ của Douyin trong phạm vi Trung Quốc. Mặc dù TikTok đã đạt được thành công thương mại toàn cầu, Douyin vẫn vượt xa TikTok về doanh thu và vẫn là công ty kiếm tiền nhiều nhất.
Ứng dụng này hiện cung cấp mọi thứ, từ mua sắm đến giao đồ ăn và trò chơi di động. Các giám đốc điều hành trong ByteDance thường trích dẫn Douyin khi đặt mục tiêu và chiến lược cho TikTok. "Ban lãnh đạo nói về TikTok như thể nó là người anh em họ kém thành tích. Rõ ràng Douyin là con cưng của bố mẹ", một kỹ sư phần mềm cao cấp tiết lộ.