Nhiều doanh nghiệp Việt tham gia Amazon vì muốn dọn hàng tồn kho
Tại sự kiện do Amazon Global Selling tổ chức ngày 9/6 tại TP HCM, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Khu vực phía Nam Amazon Global Selling đã nhắc tới một số rào cản khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi tham gia thị trường bán hàng xuyên biên giới.
"Nhiều doanh nghiệp Việt có nhu cầu tham gia lĩnh vực bán hàng xuyên biên giới. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc mới phát hiện ra họ chỉ muốn sử dụng kênh này để dọn hàng tồn kho. Chúng tôi cho rằng đây là cách làm việc thiếu nghiêm túc. Thị trường mà chúng ta đang hướng tới là toàn cầu, ví dụ như Mỹ, châu Âu - nơi có những tiêu chuẩn rất cao về hàng hóa", ông Trần Xuân Thủy nói khi nhắc tới việc định hướng chiến lược bán hàng trên nền tảng xuyên biên giới như Amazon.
Theo ông Thủy, có 6 yếu tố giúp đảm bảo cho sự thành công của một doanh nghiệp khi tham gia bán hàng xuyên biên giới. Cụ thể, vị giám đốc Amazon Global Selling cho biết trước tiên, khi doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, họ cần có định hướng chiến lược sản phẩm cụ thể.
Bên cạnh đó, việc bán hàng xuyên biên giới cũng cần đội ngũ chuyên trách tập trung nghiên cứu và lên kế hoạch cho sản phẩm. "Có trường hợp, chúng tôi chứng kiến nhân viên IT cũng bị "bê" đi bán hàng xuyên biên giới với Amazon", ông Trần Xuân Thủy cho rằng doanh nghiệp, nhà bán hàng cần phải thực sự nghiêm túc, xây dựng một đội ngũ phù hợp để có được thành công trên mô hình bán hàng mới.
Một yếu tố quyết định tới thành công là việc quảng bá sản phẩm thật bài bản, giúp sản phẩm tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình một câu chuyện về thương hiệu.
Việt Nam là một quốc gia sở hữu năng lực sản xuất, gia công hàng hóa mạnh, một số sản phẩm gắn mác Made in Vietnam được đón nhận tại thị trường quốc tế. Tuy vậy, đại diện Amazon Global Selling cho rằng nhà bán hàng cần đưa thêm những câu chuyện thú vị về sản phẩm, về thương hiệu của chính mình để thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Phía Amazon cũng hỗ trợ người bán gia tăng thêm trải nghiệm khách hàng với dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng (FBA). Nhà bán hàng hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống hậu cần của Amazon, thay vì phải tự mình làm việc với các đối tác vận chuyển.
"Một yếu tố cực kỳ quan trọng là phải nắm bắt mùa sale. Mỗi thị trường đều có một cách mùa hàng riêng, cách kinh doanh khác nhau và trên thương mại điện tự cũng có như vậy. Đối với Amazon, chúng tôi luôn đồng hành với các nhà bán hàng để xây dựng chương trình bán hàng trong suốt một năm kinh doanh để giúp nhà bán hàng gia tăng doanh số", ông Trần Xuân Thủy khuyên nhà bán hàng cần nắm bắt thị hiếu của thị trường mà mình hướng tới.
Với một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, nhà bán hàng có thể tiếp cận khách hàng ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, hơn 200.000 đơn vị robotic và 46 máy bay vận chuyển.
Ngoài ra, Amazon Global Selling gợi ý cho nhà bán hàng Việt Nam hai khu vực tiềm năng là Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) và châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển). Đây đều là những thị trường có mức thu nhập đầu người cao, dân số lên tới hàng trăm triệu người, lượt truy cập Amazon khổng lồ với con số hàng tỷ lượt/năm đi cùng với lượng thành viên Amazon Prime (dịch vụ có trả phí) hơn trăm triệu tài khoản đăng ký.