Sự thật đằng sau cơn sốt thời trang Shein: Nhà xưởng tồi tàn, làm việc 15 tiếng mỗi ngày, bị cấm nói về công ty
Bên trong một khu xưởng chật chội, tồi tàn, công nhân ngồi lom khom bên những chiếc máy may dưới ánh sáng xanh lục của những dải đèn huỳnh quang. Đã hơn 9 giờ tối và nhiệt độ trong phòng rất ngột ngạt nhưng những nữ công nhân vẫn tiếp tục làm việc với tốc độ cao.
Khi hoàn thiện mỗi bộ quần áo, họ nhét chúng vào một chiếc thùng nhựa màu ngọc lam và ném chúng lên một đống đồ sẵn sàng giao. Mỗi chiếc túi đều có in dòng chữ viết in hoa: "SHEIN".
Khu xưởng này là một trong hàng trăm cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký trong một "ngôi làng đô thị" tại Quảng Châu. Chúng được lập ra để phục vụ cho "thế lực" mới trong làng thời trang mang tên Shein.
Shein đang trở thành một sàn thương mại điện tử thời trang được giới trẻ yêu thích tại nhiều quốc gia khi tung ra hàng nghìn mẫu đồ mới mỗi tuần ở mức giá siêu rẻ. Hiện tại, Shein đang được định giá 15 tỷ USD và có thời điểm nó vượt qua H&M và Zara để trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh hàng đầu nước Mỹ.
Một cuộc điều tra của Sixth Tone cho thấy Shein đã dùng nhiều biện pháp để đảm bảo tốc độ sản xuất nhanh cùng chi phí thấp hơn so với đối thủ. Những chiến thuật của Shein khiến hàng nghìn công nhân Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị lạm dụng sức lao động.
Vào tháng 7, Sixth Tone đã đến Quảng Châu, "cứ điểm" sản xuất chính của Shein ở Trung Quốc, và phỏng vấn hàng chục công nhân, chủ nhà máy và chủ xưởng có liên quan đến chuỗi cung ứng của Shein. Mặc dù những người này chỉ là một phần rất nhỏ trong mạng lưới cung ứng của Shein, báo cáo của Sixth Tone vẫn hé lộ nhiều dấu hiệu cho thấy Shein đang quản lý lỏng lẻo chuỗi cung ứng với điều kiện làm việc tồi tệ.
Nhiều nhà cung ứng sản xuất của Shein cắt giảm chi phí bằng cách chuyển đơn hàng xuống các xưởng may nhỏ hơn nằm tại các khu nhà chật hẹp. Những nhà xưởng này thường không tuân thủ theo các quy định lao động của Trung Quốc với những rủi ro hoả hoạn thường trực.
Nhiều cơ sở kinh doanh thậm chí còn không có hợp đồng chính thức với Shein. Vì thế, Shein không thể xác nhận liệu rằng các công nhân có được đảm bảo quyền lợi hay không. Trong khi đó, tại một trung tâm logistics của Shein, nhân viên nhà kho nói rằng họ gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với cường độ lao động lớn.
Mỗi ca làm, công nhân có thể sẽ phải di chuyển hàng chục km và chỉ được nghỉ ngắn. Shein tuyển dụng nhiều nhân viên xử lý đơn hàng thông qua các đơn vị bên thứ 3, một cách làm gây tranh cãi ở Trung Quốc vì rất khó để các công nhân có thể đòi quyền lợi.
Mặc dù Shein không phải công ty duy nhất chọn cách tiếp cận này, các chuyên gia nói với Sixth Tone rằng mô hình kinh doanh táo bạo của Shein cùng với mạng lưới nhà thầu phụ rộng lớn đang cản bước các nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc trong ngành thời trang nhanh của Trung Quốc.
"Đây là một bước lùi trong việc bảo vệ quyền lợi công nhân", ông Huang Yan, một giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, chia sẻ. "Quyền lợi của công nhân thường không được quan tâm", ông nói thêm.
Shein làm mọi cách để che dấu chuỗi cung ứng của mình. Dù nhận được thành công lớn, Shein nổi tiếng hoạt động bí mật. Giới đầu tư thậm chí nói rằng Shein là "công ty tỷ đô bí ẩn nhất của Trung Quốc".
Shein ban đầu là một sàn thương mại điện tử thời trang có trụ sở tại Nam Kinh vào năm 2008. Lúc đó, Shein tập trung vào mảng xuất khẩu váy cưới sản xuất tại Trung Quốc sang các thị trường phương Tây. Vào năm 2012, công ty này đổi tên thành SheInside.com và mở rộng sang nhiều mảng đồ thời trang khác.
Bước ngoặt của công ty đến vào 3 năm sau đó khi nhà sáng lập Xu Yangtian quyết định chuyển đổi sang mô hình kinh doanh sang thời trang nhanh. Ông đổi tên công ty thành Shein và chuyển trụ sở từ Nam Kinh sang Quảng Châu.
Ở đây, ông Xu tuyển dụng một đội ngũ các nhà thiết kế và xây dựng một chuỗi cung ứng lớn với các nhà máy địa phương. Điều này cho phép Shein nhanh chóng xác định các xu hướng thiết kế ở Phương Tây và sản xuất các sản phẩm tương tự để xuất khẩu chỉ vài ngày sau đó. Mô hình này được gọi là "thời trang siêu nhanh".
Đây chính là công thức thành công. Từ năm 2017, doanh số của Shein tăng vọt và vào tháng 5/2021, Shein vượt Amazon để trở thành ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất tại Mỹ. Dù vậy, Shein từ chối chia sẻ cách công ty này lấy nguồn quần áo để bán trên nền tảng của mình.
Không giống các thương hiệu thời trang nhanh khác vốn đang dần trở nên minh bạch hơn thời gian gần đây, Shein vẫn được xem là một "hộp đen". Hồi tháng 7, Reuters nói rằng Shein không đưa ra các thông tin công khai về điều kiện làm việc tại chuỗi cung ứng của mình dù đây vốn là một yêu cầu theo luật Anh.
Báo cáo Fashion Transparency Index của Fashion Revolution cho Shein 1 điểm trên thang điểm minh bạch 100. Ở điểm đánh giá khả năng truy vết chuỗi cung ứng, công ty Trung Quốc gần như nhận điểm 0.
Để đảm bảo tính bí mật, Shein thậm chí còn yêu cầu nhân viên của mình xoá các bài đăng trên mạng xã hội nói về thành công của nó, một nguồn tin nội bộ nói với Sixth Tone. Sự thiếu minh bạch của Shein đang thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông. Họ đặt ra câu hỏi rằng liệu mức giá thấp mà Shein đưa đến thị trường có bền vững và đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức trong chuỗi cung ứng.
Ở Quảng Châu, rõ ràng là đôi khi chính Shein cũng không biết những mẫu quần áo của mình được sản xuất ở đâu. Sau hơn chục lần thất bại trong việc thuyết phục một đơn vị cung ứng của Shein chia sẻ về mối quan hệ với Shein, Sixth Tone đã đến thăm một nhà máy chưa được đăng ký tại một khu công nghiệp tồi tàn ở ngoại ô Quảng Châu.
Bên trong, chủ nhà máy, ông Chen, xác nhận rằng ông sản xuất đồ thời trang cho Shein nhưng không hợp tác trực tiếp với sàn thương mại điện tử này. Thay vào đó, ông nhận đơn hàng từ một nhà máy khác.
Ông Chen nhắc đến Shein bằng cái tên Zoetop Business Co. Ltd., một công ty đăng ký tại Hong Long của nhà sáng lập Shein Xu Yangtian.
"Có vài lần Zoetop Business tìm đến bạn tôi với các đơn hàng gấp và anh ấy cần sự hỗ trợ của bạn bè để có thể giao hàng đúng hẹn", ông Chen chia sẻ.
Khi đơn hàng đến, ông Chen nói rằng các công nhân sẽ phải làm việc trong những ca làm 15 tiếng đồng hồ để có thể đảm bảo tiến độ. Thời gian sản xuất đối với Shein chỉ là 7 ngày, trong khi đó thời gian của các khách hàng khác thường là 2 tuần, ông nói thêm.
Ông Chen không ký hợp đồng với người bạn của mình, chưa nói đến Shein. Ông nhận thanh toán từ người bạn khi họ nhận được thanh toán từ Shein. Ông Chen từ chối chia sẻ thêm về công ty của người bạn mà ông nhắc đến.
"Vì sao anh không tới South Village và Tangbu West Village?", ông Chen gợi ý cho phóng viên. "Gần như toàn bộ các nhà máy ở đây đều hợp tác với Zoetop Business". South Village và Tangbu West Village đều là những "ngôi làng đô thị" với những toà nhà được xây với mật độ cao. Tầng 1 của các toà nhà này phần lớn được các xưởng may thuê và không khó để người qua đường có thể nhìn thấy toàn cảnh bên trong. Hiện tại, nhiều xưởng may đang sản xuất cho Shein.
Giống ông Chen, nhiều xưởng may không có hợp đồng, và thậm chí không có liên hệ trực tiếp với Shein. Một số chủ xướng nỏi rằng họ nhận đơn hàng từ một nhà máy gần đó. Khi Sixth Tone đến thăm một số nhà máy, các chủ nhà máy xác nhận đang sản xuất cho Shein song từ chối chia sẻ sâu hơn.
"Shein gọi chúng tôi và yêu cầu chúng tôi không chia sẻ thông tin công ty với người ngoài vì nhiều công ty đang muốn sao chép cách làm của Shein", một chủ nhà máy nói.
Vì mô hình thầu phụ rất phổ biến trong chuỗi cung ứng của Shein, Shein chỉ có thể kiểm soát một cách hạn chế chuỗi cung ứng của mình.
Một nhà phân tích chuỗi cung ứng của Shein nói với Sixth Tone rằng công ty đang cố gắng thu thập thêm thông tin về những nhà thầu phụ và thực hiện điều tra liên quan đến điều kiện làm việc cũng như an toàn lao động tại các cơ sở của họ. Ông cũng khẳng định Shein nắm được vấn đề và không cấm việc thuê thầu phụ.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhà cung ứng của Shein là các xưởng may nhỏ. Dù vậy, Shein được cho là có mối quan hệ với 300 – 400 nhà máy chính cùng với đó là hơn 1.000 đơn vị cung ứng nhỏ hơn tại Panyu (đơn vị hành chính cấp quận của South Village và Tangbu West Village).
Giáo sư Huang nói rằng một số đối thủ thời trang nhanh của Shein từ chối làm việc với các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Lý do đến từ việc càng nhiều nhà thầu phụ quy mô nhỏ thì càng khó để kiểm soát điều kiện làm việc của chuỗi cung ứng.
Các nhà máy địa phương muốn hợp tác với các xưởng may ở các "ngôi làng đô thị" tại Quảng Châu vì hai lý do, ông Kang Jianming, chủ một đơn vị may đồ trẻ em đang có hợp tác với Shein, nói. Họ có thể xử lý đơn hàng lớn với tốc độ cao và chi phí thấp. Dù vậy, có những cái giá phải trả đằng sau lợi thế này.
Nhiều xưởng may không có giấy phép kinh doanh và thậm chí không đặt biển tên tại xưởng. Chủ xưởng thường tuyển nhân công là người nhà và các công nhân thời vụ. Ông Kang nói rằng nhóm nhân công này thường không có quyền lợi như nhân công toàn thời gian. Nó cũng giúp các chủ xưởng tránh việc phải thanh toán các phúc lợi xã hội đắt đỏ.
Điều kiện làm việc trong các "ngôi làng đô thị" này thường tồi tệ. Dù nóng và ẩm, nhiều xưởng không có điều hoà và chỉ có quạt treo tường để thoáng khí. Mức độ an toàn tại đây cũng rất thấp. "Xưởng chưa đăng ký tại các ngôi làng đô thị là một vấn đề", ông Huang nói. "Một nguy cơ lớn là khả năng hoả hoạn", ông nhấn mạnh.
Cách Panyu khoảng 100 km về phía Tây, nằm bên cạnh được cao tốc 8 làn, là các trung tâm logistics lớn. Còn được biết đến với tên gọi nhà kho Dongbai và Anbo, những trung tâm này là điểm kết nối chính giữa chuỗi cung ứng của Shein và khách hàng trên toàn thế giới.
Làm việc tại các trung tâm này không dành cho người yếu tim và các lao động tại đây vẫn gọi nó bằng cái tên "thử thách Shein". Điều này có nghĩa là nếu như bạn vượt qua được cường độ làm việc khốc liệt, bạn có thể nhận được những khoản lương hậu hĩnh. Trên diễn đàn Baidu Tieba, một người nói rằng các nhân viên xử lý đơn hàng có thể phải di chuyển 50 km nỗi ngày.
Dù vậy, nhiều người vẫn chấp nhận thử thách này. Zhang Xiaojun nói rằng anh kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng khi làm việc tại nhà kho Dongbai.
Người đàn ông 30 tuổi nói rằng đây là mức lương tốt song sức khoẻ của anh thì đang phải chịu tác động nặng nề. Anh giảm cân nhanh và mắc chứng khó ngủ vì điều kiện làm việc. Mỗi 2 tuần, anh phải chuyển ca làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối và 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.
"Tôi không có thời gian để ngồi nghỉ và luôn cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày", anh Zhang nói.
Sau 2 năm, anh cảm thấy mình không còn đủ khả năng tiếp tục công việc. Thế nhưng, anh đang cố gắng duy trì đến khi nào có thể với hy vọng kiếm đủ tiền trả góp mua nhà trước năm 40 tuổi. Trước đây, anh chỉ kiếm được khoảng 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng tại một nhà máy đồ điện tử tại Thâm Quyến.
Một vấn đề khác ở các trung tâm này là việc họ sử dụng lao động được thuê bởi bên thứ 3. "Vấn đề lớn nhất ở đây là đôi khi nhân viên không nhận được lương như đã hứa", ông Li Quang, một chuyên gia quyền lợi người lao động, chia sẻ.
"Một số công ty tuyển dụng quá nhỏ để yêu cầu họ chịu trách nhiệm và do đó người lao động khó đòi quyền lợi", ông nói thêm. Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc sử dụng các công ty tuyển dụng giúp các công ty lớn giảm thiểu được trách nhiệm pháp lý của mình. Khi vấn đề xuất hiện, họ chuyển hướng xử lý đến các công ty tuyển dụng.
Luật lao động Trung Quốc không cho phép số lượng nhân sự thuê qua các bên thứ 3 chiếm hơn 10% tổng số lượng nhân công. Dù vậy, các công ty lớn như Foxconn cũng từng bị cáo buộc vi phạm hạn mức này.