Không được đi du lịch, dân Trung Quốc tìm đến dịch vụ giải trí mà nhiều người Việt cũng đang mong ngóng
Dù kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần của Trung Quốc đang cận kề, song với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong thời gian gần đây, nhiều du khách ở quốc gia tỷ dân có thể sẽ buộc phải ở nhà, theo Nikkei Asia,
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm (7/10) chỉ có 515 triệu chuyến đi trong nước được thực hiện từ ngày 1/10 đến 7/10 giảm 1,5% so với năm ngoái và 29,9% so với 2019. Sự sụt giảm này càng tô thêm màu buồn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp Trung Quốc đang bị tác động mạnh do thiếu hụt điện sản xuất.
Theo Nikkei Asia, doanh thu du lịch trong Tuần lễ Vàng của Trung Quốc giảm 4,7% so với năm ngoái xuống còn 389 tỷ nhân dân tệ (60,2 tỷ USD) và giảm 40,1% so với năm 2019. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết ngày đầu tiên của kỳ nghỉ ước tính có khoảng 63,02 triệu chuyến đi, tính theo số lượng người đi lại trên các hệ thống giao thông quốc gia như đường sắt và hàng không. Con số đó đã giảm 3,1% so với một năm 2020 và giảm 30% so với năm 2019.
Thông thường mọi năm, lưu lượng khách du lịch tăng nhanh ở các điểm đến lớn như Bắc Kinh, nơi công viên giải trí Universal Studios Bắc Kinh mở cửa ngay trước kỳ nghỉ. Nhưng COVID-19 bùng phát xung quanh Trung Quốc trong những tuần gần đây khiến việc đi lại giữa các tỉnh và thành phố trở gặp nhiều cản trở.
Tuy vậy, nếu không đi du lịch, nhiều người dân Trung Quốc chọn đến các rạp chiếu phim. Nhà cung cấp dữ liệu EntGroup cho biết doanh thu phòng vé trong tuần đạt 4,3 tỷ nhân dân tệ tính đến tối ngày 7/10, vượt qua mức thu hồi đầu năm là khoảng 3,7 tỷ nhân dân tệ. Các khoản thu đã đạt gần 4,4 tỷ nhân dân tệ được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2019. Điều này đánh dấu bước khởi sắc trong sự phục hồi của ngành công nghiệp phim ảnh tại quốc gia tỷ dân.
Quay trở về Việt Nam, các rạp chiếu phim cũng đã rục rịch mở cửa trở lại ở nhiều địa phương trên toàn quốc từ đầu tháng 10, song với nhiều khán giả tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... niềm vui được ra rạp vẫn chưa đến.
"Mình nghiện xem phim rạp lắm. Lâu rồi chưa được ra rạp nên cũng buồn, mong rạp phim sớm được hoạt động trở lại", chị Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ.
Mới đây, trong công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và UBND TP HCM, đại diện của 20 nhà sản xuất phim kiến nghị được phục hồi kinh doanh, sản xuất từ ngày 15/10.
Các công ty này cam kết thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho nhân viên. "Chúng tôi không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới", văn bản nêu.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV nói rằng nếu đầu năm 2022, rạp chiếu phim mới được tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản. Điều tất yếu là kéo theo sự suy thoái của của cả nền điện ảnh nói chung.
Thách thức lớn nhất của CGV là dòng tiền trong kinh doanh. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0, hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua. Cũng cảnh ngộ với CGV, Lotte Cinema, Galaxy cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.