Chuỗi rạp phim chật vật giữa mùa dịch, kêu cứu trước nguy cơ phá sản
Doanh nghiệp chiếu phim điện ảnh gặp khó giữa mùa dịch
Kể từ khi dịch COVID bắt đầu xuất hiện, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bùng bùng dịch lớn. Và mỗi lần bùng dịch, các rạp chiếu phim là một trong những điểm đóng cửa đầu tiên do là nơi thường xuyên tập trung đông người.
Theo thông tin trên trang fanpage Facebook ngay đầu tháng 5, Lotte Cinema đã thông báo đóng cửa các cụm rạp tại TP HCM, Hội An, Long Xuyên và tạm đóng cửa ở các cơ sở là Hải Dương, Phủ Lý, Ninh Bình trong đợt dịch Tết Nguyên đán 2021.
Trên thực tế, với việc các rạp chiếu phim là một trong những địa điểm được ưu tiên "ngừng hoạt động" ở mỗi địa phương có dịch, các rạp phim tại Hà Nội Và TP HCM cũng đã tạm đóng cửa từ đầu tháng 5 vừa qua.
Dữ liệu từ trang thống kê QandMe cho thấy từ năm 2017 tới 2020, số lượng cụm rạp trên toàn quốc tăng khoảng từ 10% đến 15% mỗi năm. Tuy nhiên sang năm 2021, số lượng cụm rạp trên toàn quốc đã giảm nhẹ, cụ thể từ 182 cụm rạp năm 2020 xuống còn 178 cụm rạp (dữ liệu thống kê tới ngày 14/4/2021).
Giai đoạn tạm ngừng hoạt động theo chỉ thị của Chính phủ để giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc gần như các cụm rạp không có nguồn thu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực... dẫn tới rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế, có một số sự việc không may xảy ra đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chiếu phim. Đơn cử như vụ việc CGV khởi kiện một số công ty cho thuê mặt bằng, yêu cầu được chấm dứt hợp đồng thuê mà không phải bồi thường, theo thông tin từ Tuổi Trẻ Online.
Theo đó, chuỗi rạp đến từ Hàn Quốc cho rằng hiện hoàn cảnh đã thay đổi hoàn toàn (do COVID-19) so với thời điểm ký kết hợp đồng, khi đó cả hai bên không lường trước được vấn đề này. Và nếu tiếp tục hợp đồng như đã ký trước đó mà không có sự điều chỉnh thì phía CGV sẽ phải chịu thiệt hại.
Dịch COVID-19 cũng tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của các hãng chiếu phim, trong đó, theo nguồn tin từ Zing, Lotte có thể bị thua lỗ vài chục tỷ đồng trong một tháng khi đóng cửa tới 46 cụm rạp; Đối với cụm rạp Galaxy nếu đóng cửa hai tuần có thể thua lỗ 7-10 tỷ đồng, nếu đóng một tháng, số tiền phải trả lên tới 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau khi hết giãn cách xã hội, các cụm rạp gặp phải vấn đề khách hàng không còn mặn mà tới rạp chiếu phim do tâm lý e ngại dịch bệnh nơi đông người và cũng không có nhiều phim mới, hấp dẫn khán giả.
Nguyên nhân là các bộ phim bị hoãn chiếu nhiều lần do dịch bệnh, dẫn đến nguồn phim mới trở nên hạn hẹp. Đơn cử như vào tháng 2 năm nay, các bộ phim Tết lần lượt phải hoãn chiếu do lo ngại dịch bệnh bùng phát.
Các bộ phim Tết như Trạng Tí phiêu lưu ký, Lật mặt: 48h và Bố già đều phải lùi thời gian chiếu. Trước đó, những bộ phim này đã phải rời lịch chiếu nhiều lần khiến các đoàn làm phim thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hè năm nay, bộ phim Việt "Thiên thần hộ mệnh" cũng chiu số phận tương tự khi đạo diễn Victor Vũ đã thông báo trên trang Facebook cá nhân tạm hoãn lịch chiếu tới khi có thông tin mới kể từ ngày 6/5.
Hàng loạt rạp phim kêu cứu khi đứng trước nguy cơ phá sản
Theo VOV đưa tin, vào giữa tháng 5, các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Trong đó có dấu ký tên của doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam và nước ngoài bao gồm Thiên Ngân, BHD, CGV và Lotte Cinema.
Từ tháng 2/2020 đến nay, tình hình càng trở nên trầm trọng khi tất cả hoạt động vui chơi giải trí, rạp chiếu phim phải đóng cửa nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các tỉnh thành.
Trong giai đoạn này, doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi vẫn phải gánh các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên. Với tình trạng này, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể bị phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành điện ảnh.
Vì vậy, trong văn bản, các doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn.
Một số phương án hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị gồm duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt (hơn 10.000 lao động trong ngành) thông qua việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Đồng thời hỗ trợ giải quyết khủng hoảng thanh toán cho doanh nghiệp để họ thoát khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim khi hoạt động trở lại. Đơn cử như hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới. Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp BHXH, BHYT, BHTN cũng như giảm thuế phí cho doanh nghiệp và người lao động.
Trong văn bản, các doanh nghiệp nêu quan điểm rằng hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay, nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế. Vì vậy hoạt đọng chiếu phim phải được thúc đẩy.