|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện nghệ sĩ 'phím' tiền ảo: Nhận quảng cáo dù không biết gì, Trung Quốc, Mỹ từng cảnh báo người nổi tiếng PR dịch vụ tài chính

15:27 | 13/05/2021
Chia sẻ
Ngoài các khoản thu nhập dựa vào lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ hay những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) còn có thể kiếm tiền dựa trên hình ảnh cá nhân, quảng cáo sản phẩm trên trang mạng xã hội của họ, tuy nhiên điều này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Hô hào "chốt" tiền ảo dù không nắm rõ thuật ngữ tài chính

Những ngày vừa qua, không chỉ giới đầu tư tiền ảo sôi động trước loạt bài đăng "phím" chốt tiền ảo của các nghệ sĩ trong showbiz Việt, mạng xã hội cũng xôn xao không kém, cả người hiểu biết lẫn đám đông không có kiến thức gì về lĩnh vực đầu tư này.

Những Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Trần Nam Thư hay Lê Dương Bảo Lâm, thường ngày được biết tới là người của công chúng, là những diễn viên thì bỗng trong vài ngày vừa qua lại hóa thành các "trader", các thầy dạy đầu tư chuyên nghiệp, đăng bài hô hào giới đầu tư tham gia thị trường, chốt những đồng tiền ảo mà chưa chắc họ đã hiểu rõ về nó. 

Điển hình là Kiều Minh Tuấn, nam diễn viên này thậm chí còn không biết từ "moon" (thuật ngữ ám chỉ sự tăng giá trong tiền ảo) là gì. Ca sĩ Cao Thái Sơn dù khoe khoang mình có 10 năm lĩnh vực chứng khoán, tài chính nhưng lại tự "đẻ" ra thuật ngữ "chứng khoán crypto" khiến dân đầu tư không khỏi ngỡ ngàng vì chứng khoán và crypto hay cryptocurrency (tiền ảo) là 2 khái niệm hoàn toàn riêng biệt.

Nghệ sĩ nói về lĩnh vực tài chính nhưng không thực sự hiểu rõ về lĩnh vực, thậm chí là khái niệm cơ bản (Ảnh: Chụp màn hình).

Ngoài các khoản thu nhập dựa vào lĩnh vực nghệ thuật mình đang tham gia, các nghệ sĩ hay những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) còn có thể kiếm tiền dựa trên hình ảnh cá nhân, quảng cáo sản phẩm trên trang mạng xã hội của họ.

Câu chuyện những bài post giá nghìn đô thực sự khiến nhiều người phải ngã ngửa trước khả năng kiếm tiền của các KOLs. Năm 2018, sau chiến tích Thường Châu, các cầu thủ U23 bỗng vụt sáng trên mạng xã hội khi sở hữu số lượt theo dõi khủng. 

Những cầu thủ như thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Nguyễn Quang Hải, tiền đạo Hà Đức Chinh,... lần lượt tăng vọt số người theo dõi, sở hữu con số triệu like, kéo theo đó là những hợp đồng quảng cáo béo bở. 

Theo bảng báo giá bị rò rỉ được cho là của thủ môn Bùi Tiến Dũng khi đó, tiền bản quyền hình ảnh của thủ thành này cao ngang ngửa các nghệ sĩ showbiz, một status trên Facebook của Bùi Tiến Dũng được báo giá 2.500 USD, 1 lần livestream là 5.500 USD. 

Điều này khiến câu lạc bộ FLC Thanh Hóa (hiện là CLB Thanh Hóa, đội bóng chủ quản của Bùi Tiến Dũng khi đó), phải lên tiếng, cho rằng câu lạc bộ hoàn toàn nắm quyền khai thác hình ảnh của Bùi Tiến Dũng. Do đó các đơn vị, doanh nghiệp nào muốn khai thác phải nhận được sự đồng ý từ câu lạc bộ.

Câu chuyện nghệ sĩ đăng bài 'phím' tiền ảo: Nhận tiền quảng cáo dù không biết gì, chính phủ Trung Quốc từng 'tuýt còi' nhiều celeb có tiếng - Ảnh 2.

Mạng xã hội được xem là một công cụ giúp nghệ sĩ tăng thu nhập nhờ các hợp đồng quảng cáo béo bở (Ảnh: Thùy Trang).

Ví dụ trên để thấy việc sở hữu lượt theo dõi khủng trên mạng xã hội giúp người nổi tiếng có thể kiếm được số tiền lớn như thế nào. Và dĩ nhiên, tương tự thế giới, các nghệ sĩ ở Việt Nam cũng kiếm tiền quảng cáo qua mạng xã hội.

Thế nhưng, từ lâu nay, báo chí đã phản ánh rất nhiều về việc người nổi tiếng quảng cáo cho các thương hiệu nhưng không thật sự hiểu về sản phẩm mình quảng cáo hoặc có khi còn chưa sử dụng bao giờ mà vẫn nêu đủ công dụng tốt đẹp. Nghệ sĩ Vân Dung từng bị VTV24 "bóc phốt" quảng cáo sản phẩm thuốc giả, không đúng sự thật.

Cảnh báo việc người nổi tiếng PR cho lĩnh vực tài chính

Tờ Financial Times từng phản ánh nhiều người nổi tiếng kết hợp với các công ty tài chính, quỹ đầu tư để PR cho dịch vụ của họ. Năm 2018, State Street Global Advisors, gã khổng lồ về lĩnh vực đầu tư của Mỹ đã ký hợp đồng quảng bá quỹ giao dịch vốn hóa của họ với diễn viên Elizabeth Banks. 

Ngoài nữ minh tinh Holywood, tờ Financial Times còn liệt kê ngôi sao truyền hình thực tế Paris Hilton, võ sĩ Floyd Mayweather, nam diễn viên Jamie Foxx cũng tham gia PR cho các dịch vụ tài chính từ các khoản cho vay mua nhà đến các quỹ giao dịch và cả tiền ảo.

Câu chuyện nghệ sĩ đăng bài 'phím' tiền ảo: Nhận tiền quảng cáo dù không biết gì, chính phủ Trung Quốc từng 'tuýt còi' nhiều celeb có tiếng - Ảnh 3.

Người nổi tiếng quảng cáo cho dịch vụ tài chính bị cơ quan chức năng "tuýt coi" (Ảnh: Financial Times).

Hiện tượng người nổi tiếng tham gia PR cho dịch vụ tài chính đã bị cơ quan quản lý của Mỹ lập tức lên tiếng cảnh báo. Tháng 11/2018, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ - cơ quan giám sát của Mỹ đã cảnh báo và nói rõ rằng việc "tin theo lời người nổi tiếng để ra quyết định đầu từ chưa bao giờ là một ý hay".

Hồi tháng 2, người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc, Du Haitao đã bị kiện sau khi nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending) mà anh này quảng cáo bị sập. Nam MC sau đó đã phủ nhận việc làm đại sứ hình ảnh và nói rằng mình chỉ nhận quảng cáo cho nền tảng này một lần vào năm 2018.

Nói với tờ Sixth Tone, ông Chen Yinjiang, phó Chủ tịch hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng người nổi tiếng ngoài số thù lao kiếm được nhờ quảng cáo thì cũng cần phải cân nhắc thông điệp họ gửi tới công chúng.

"Nếu người nổi tiếng không chịu trách nhiệm cho việc kiểm tra sản phẩm tài chính và đưa ra thông tin sai, họ sẽ phải có nghĩa vụ với tổn thất của người bị hại", ông Chen nói.

Cũng theo luật Quảng cáo Trung Quốc, người nổi tiếng bị cấm tham gia làm đại sứ thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ mà họ chưa từng sử dụng và họ cũng phải hiểu đơn vị đối tác thuê quảng bá trước khi thực hiện ký kết hợp đồng.

Thùy Trang