Lí thuyết thể chế (Institutional theory) là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: eqgroup)
Lí thuyết thể chế
Khái niệm
Lí thuyết thể chế trong tiếng Anh được gọi là Institutional theory.
Lí thuyết thể chế là một trong những lí thuyết phân tích về yếu tố ảnh hưởng đến năng suất các yếu tố tổng hợp (Total-Factor Productivity - TFP).
Dựa trên quan điểm của Coelli và cộng sự (2005) về bốn thành tố ảnh hưởng đến tăng trưởng TFP thì có rất nhiều các lí thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng TFP.
Các yếu tố được cho rằng ảnh hưởng đến tiến bộ công nghệ, hiệu quả trong sản xuất, tính kinh tế theo qui mô và phân bổ hiệu quả thì sẽ làm thay đổi tổng năng suất các yếu tố của doanh nghiệp.
Cách tiếp cận thể chế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường thể chế mà hỗ trợ thị trường (bảo vệ quyền sở hữu tài sản, thực thi hợp đồng).
Trong các bài viết của Williamson (1987), Scully (1988), Coase (1960), North (1991), Baumol (1993), Barro (1996), Hall và Jones (1999), Acemoglu và Johnson và Robinson (2001, 2005), Johnson và cộng sự (2002), Djankov và cộng sự (2002), Kaufmann và cộng sự (2005), Cull and Xu (2005) phản ánh các khía cạnh của thể chế.
Theo lí thuyết thể chế, môi trường thể chế đóng góp vào năng suất bằng cách tạo điều kiện để hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp và hướng các nỗ lực của doanh nghiệp đến các hoạt động có năng suất.
Coase (1960) chỉ ra rằng trong mô hình cổ điển giả định đó là chi phí giao dịch là bằng không. Tuy nhiên, trong thực tế thì chi phí giao dịch thì không bằng không.
Coase lập luận rằng môi trường thể chế tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và từ đó giúp họ yên tâm hoạt động và tăng cường các hoạt động đầu tư và giúp tăng năng suất.
Theo Aron (2000) môi trường thể chế tốt sẽ làm gia tăng hiệu quả năng suất bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Cụ thể quyền sở hữu rõ ràng và hợp đồng có tính thực thi cao sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh mà khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất với qui mô lớn hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn và giúp doanh nghiệp có tính cạnh tranh hơn.
Ngược lại chất lượng thể chế tồi làm cho việc thực thi hợp đồng trở nên khó khăn hoặc việc chi tiền hối lộ là cần thiết thì sẽ làm gia tăng chi phí liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Các lí thuyết phân tích về yếu tố ảnh hưởng đến TFP, Đại học Duy Tân)