|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết thương mại (Trade theory) là gì? Các kênh lan toả kiến thức

16:19 | 12/10/2019
Chia sẻ
Lí thuyết thương mại (tiếng Anh: Trade theory) cho rằng chính hoạt động giao thương sẽ dẫn đến làm tăng trữ lượng kiến thức liên quan đến công nghệ và do đó sẽ dẫn đến tiến bộ công nghệ.
logo-original-trade

Hình minh hoạ (Nguồn: bostonchefs)

Lí thuyết thương mại

Khái niệm

Lí thuyết thương mại trong tiếng Anh được gọi là Trade theory.

Lí thuyết thương mại là một trong những lí thuyết phân tích về yếu tố ảnh hưởng đến năng suất các yếu tố tổng hợp (Total-Factor Productivity - TFP).

Theo Melitz (2003); Bernard và cộng sự (2003); Helpman và cộng sự ( 2004) nếu xem TFP là trình độ công nghệ hay kiến thức liên quan đến công nghệ và sự thay đổi trong TFP là do tiến bộ công nghệ thì lí thuyết thương mại lại có quan điểm khác.

Lí thuyết thương mại cho rằng chính hoạt động giao thương sẽ dẫn đến làm tăng trữ lượng kiến thức liên quan đến công nghệ và do đó sẽ dẫn đến tiến bộ công nghệ và cuối cùng là tăng tổng năng suất các yếu tố.

Theo lí thuyết này thì trữ lượng kiến thức công nghệ được lan tỏa thông qua các kênh khác nhau. 

- Kênh đầu tiên đó là hàng hóa nhập khẩu. Việc nhập khẩu hàng hóa tân tiến có thể gia tăng trữ lượng kiến thức. 

- Kênh thứ hai đó là thông qua FDI (Borensztein và cộng sự, 1998). Theo đó quốc gia nhận được vốn FDI được kì vọng đạt được lợi ích từ các ngoại tác tích cực do FDI mang lại. 

Các ngoại tác này bao gồm việc lan tỏa kiến thức do chuyển giao công nghệ, giới thiệu qui trình mới và kĩ năng quản lí, bí mật kinh doanh. 

Phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy ảnh hưởng FDI lên TFP và tăng trưởng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như nguồn nhân lực và sự phát triển của thị trường tài chính trong nước; môi trường kinh doanh của quốc gia nhận FDI đặc biệt là môi trường vĩ mô. 

- Kênh thứ ba đó là thông qua hoạt động xuất khẩu.

Các lập luận của trường phái lí thuyết thương mại được củng cố trong các nghiên cứu thực nghiệm như Grossman and Helpman (1991) và Barro (1996), Edwards (1997) và rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác:

Cho thấy rằng các quốc gia mà mở cửa giao thương càng nhiều thì càng có có lợi ích nhiều từ việc khuyến khích công nghệ và ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng TFP. 

Dollar và Kraay (2004) tìm thấy bằng chứng rằng việc mở cửa thương mại sẽ dẫn đến tính kinh tế theo qui mô và tăng trưởng năng suất. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy rằng việc mở cửa thương mại sẽ gia tăng lợi ích khi đi kèm với các chính sách hỗ trợ cho thương mại như chính sách vĩ mô, thể chế hỗ trợ thị trường; thị trường lao động linh hoạt (Chang và cộng sự, 2005).

(Tài liệu tham khảo: Các lí thuyết phân tích về yếu tố ảnh hưởng đến TFP, Đại học Duy Tân)

Diệu Nhi