Lí thuyết cạnh tranh chiến lược toàn cầu (Global strategic rivalry theory) là gì?
Lí thuyết cạnh tranh chiến lược toàn cầu
Khái niệm
Lí thuyết cạnh tranh chiến lược toàn cầu trong tiếng Anh gọi là: Global strategic rivalry theory.
Lí thuyết cạnh tranh chiến lược toàn cầu là lí thuyết giải thích về cấu trúc thương mại quốc tế do những nhà kinh tế Paul Krugman và Kelvin Lancaster phát triển vào những năm 1980, xem xét ảnh hưởng của những luồng thương mại của cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa các tập đoàn đa quốc gia (MNC).
Theo cách nhìn này, các công ty phấn đấu để phát triển lợi thế cạnh tranh bền vững (sustainable competitive advantage), họ cố khai thác lợi thế này để thống trị thị trường toàn cầu.
Tương tự phương pháp của Linder, lí thuyết cạnh tranh chiến lược toàn cầu dự đoán rằng thương mại nội bộ ngành công nghiệp sẽ trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, lí thuyết này tập trung vào những quyết định chiến lược mà các công ty đưa ra khi cạnh tranh quốc tế. Những quyết định này ảnh hưởng cả thương mại quốc tế lẫn đầu tư quốc tế.
Các công ty như Carterpilla và Kamatsu; Unilever và Procter & Gamble; Toyota và Ford vẫn tiếp tục trò mèo đuổi chuột với nhau trên toàn cầu vì họ cố gắng tăng cường sức mạnh của chính họ và trung hòa sức mạnh của những đối thủ cạnh tranh.
Các công ty cạnh tranh trên thị trường toàn cầu có nhiều cách để giành được lợi thế cạnh tranh bền vững. Nhiều công ty có quyền sở hữu tài sản trí tuệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (Research & Development - R&D), đạt được kinh tế qui mô hay kinh tế phạm vi, khai thác đường cong kinh nghiệm.
Giải thích từ ngữ liên quan:
- Thương mại nội bộ ngành công nghiệp (Intraindustry trade) là trao đổi hàng hóa được sản xuất trong cùng nền công nghiệp giữa 2 nước. Ví dụ, Nhật xuất khẩu Toyota sang Đức trong khi Đức xuất khẩu BMW sang Nhật.
- Đường cong kinh nghiệm là hiện tượng hiệu suất con người luôn luôn cải thiện khi một công việc được lặp lại. Cụ thể hơn mỗi lần sản lượng tăng gấp đôi, số giờ lao động giảm xuống theo một tỉ lệ phần trăm cố định của giá trị trước đó. Phần trăm đó được gọi là tỉ lệ kinh nghiệm. (Theo Giáo trình Kiểm soát, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Cao học Quản trị kinh doanh quốc tế, PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2017)