|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm gì để hài hoà lợi ích giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ?

17:45 | 24/06/2017
Chia sẻ
Chỉ mới hoạt động tại Việt Nam gần 5 năm nhưng thương hiệu Uber, Grab lại đang khuấy đảo thị trường taxi khi khiến nhiều hãng taxi truyền thống lao đao.
lam gi de hai hoa loi ich giua taxi truyen thong va taxi cong nghe
Uber và Grab đang khuấy đảo thị trường taxi trong nước. Ảnh minh họa: AFP

* Taxi truyền thống phản ứng gay gắt

Theo Quyết định 1547/UBND – ĐTMT ngày 9/4/2010 của UBND Tp. Hồ Chí Minh, số lượng xe taxi trên địa bàn bị khống chế là 12.654 xe. Hiện nay thành phố có 21 doanh nghiệp taxi hoạt động với 11.060 xe.

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ khi dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng ra đời theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 6/1/2016 của Bộ Giao thông Vận tải, đã mang lại sự tiện ích nhất định cho hành khách. Ngoài ra còn một lượng xe đáng kể của các tỉnh khác, xe không đăng ký kinh doanh tham gia hoạt động qua phần mềm Uber mà đến nay chưa kiểm soát được.

Trong khi đó, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động tại thành phố là 26.404 xe (gồm 11.060 taxi và 15.344 xe hợp đồng), đã phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn. Còn theo số liệu của Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 4/2017, tại Tp. Hồ Chí Minh, số lượng xe taxi công nghệ đã lên tới khoảng 22.000 xe.

Mới đây, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, phản ánh việc chỉ riêng trong quý I/2017, công ty đã có hơn 4.200 người lao độn g nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh “thiếu lành mạnh” của Uber và Grab. Cùng với đó, đã có 10.000 tài xế Vinasun ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối Uber, Grab.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho rằng, các hãng taxi truyền thống đang gặp khó khăn, một trong những nguyên nhân là do Uber, Grab hoạt động tràn lan, đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác dành cho Uber, Grab đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống.

“Uber và Grab là những doanh nghiệp kinh doanh phần mềm công nghệ thông tin, không phải là đơn vị kinh doanh vận tải nhưng trên thực tế đang vận tải hành khách như taxi, không đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của pháp luật, không có pháp nhân tại Việt Nam, không trang bị các thiết bị danh cho xe kinh doanh taxi”, đại diện hãng taxi Mai Linh nêu quan điểm.

Còn theo quan điểm của đại diện hãng Vinasun, Uber và Grab núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử để né tránh các nghĩa vụ về thuế, không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào, khiến sự cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo phân tích của ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp. Hồ Chí Minh, các hãng taxi truyền thống, ngoài việc phải đầu tư phương tiện còn phải chịu nhiều loại thuế phí, riêng VAT là 10%, phải lo trả lãi vay ngân hàng, tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm khách hàng, bảo hiểm xã hội… trong khi Uber không phải tốn kém các khoản chi phí này.

* Uber, Grab: chỉ có vai trò kết nối ?

Theo các chuyên gia, taxi truyền thống hiện đang phải thực hiện chặt chẽ các quy định liên quan đến vận tải hành khách như thuế, giá, phù hiệu xe, chế độ lái xe, không được hoạt động vào giờ cao điểm trong khi taxi công nghệ lại hoạt động thoải mái, không bị ràng buộc về chính sách… Tuy nhiên một điều không thể phủ nhận được là giá cước đi lại của Uber, Grab rẻ hơn taxi truyền thống, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, sự tương tác giữa khách hàng với tài xế cũng dễ dàng hơn rất nhiều, nhất là vào giờ cao điểm hoặc thời tiết xấu.

Trong khi taxi truyền thống liên tục chỉ trích Uber, Grab vì cạnh tranh không lành mạnh, thì Uber và Grab lại hầu như không “lời qua tiếng lại” một cách gay gắt mà “âm thầm” thu hút hành khách, từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam nêu quan điểm, Uber đóng vai trò là nhà cung cấp các dịch vụ về kết nối và xử lý thanh toán cho các đối tác vận tải, qua đó thu 20% chi phí dịch vụ cho việc cung cấp công nghệ giúp kết nối xe và hành khách (80% cước phí còn lại thuộc về các đối tác vận tải). Có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh từ năm 2014 đến nay, Uber đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho hàng ngàn đối tác vận tải. Bên cạnh đó, công nghệ của Uber đảm bảo mọi thông tin từ khách hàng, chuyến đi, doanh thu đều được lưu trữ điện tử, minh bạch và dễ theo dõi.

Còn theo đại diện Grab Việt Nam, tại khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), thông qua việc hợp tác với Grab, hơn 930.000 tài xế đã có thu nhập trung bình tăng tới 1/3. Grab cũng giúp cắt giảm 1/2 thời gian di chuyển cho hành khách. Hiện nay, Grab có tới 2,5 triệu lượt đi mỗi ngày, trở thành nền tảng đặt xe công nghệ lớn nhất và là ứng dụng được tài xế và hành khách yêu thích sử dụng nhiều nhất tại Đông Nam Á.

Cùng với đó, số lượng hành khách của Grab tăng trung bình 360% mỗi năm kể từ năm 2013, đến năm 2016 đạt 17 triệu khách và dự kiến năm 2017 lên đến 45 triệu khách. Riêng đội ngũ tài xế Grab tại Việt Nam, hằng năm tới 216%, chỉ đứng sau Indonesia (574%) và Thái Lan (226%).

Mặc dù có thái độ không mấy thiện cảm với Uber, Grab nhưng chính bản thân taxi truyền thống Mai Linh và Vinasun đều có những động thái để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách.

Đơn cử, Mai Linh đang đầu tư công nghệ, hoàn thiện các ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích cho khách hàng, giảm chi phí qua đó hạ giá cước (phần mềm App - tổng đài thông minh). Còn về phía Vinasun, cũng đang triển khai ứng dụng phần mềm điều xe và quản lý hiện đại để phục vụ khách hàng nhanh chóng, gia tăng các điểm đón khách kết hợp với số lượng xe mới, đồng chất.

* Cơ quan quản lý nhà nước cần rõ ràng hơn

Ngày 19/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Bộ Giao thông Vận tải triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016. Theo đó, tất cả các đơn vị có đề án cụ thể phù hợp với tính chất, phương thức vận hành của từng ứng dụng, phù hợp các cam kết, thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị có liên quan và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đều được tham gia thí điểm (cho phép sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản).

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ với 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Grabtaxi (ứng dụng Grabcar (Công ty CP vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty Hợp tác đầu tư và phát triển với ứng dụng Home Car, Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car).

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, kết quả thực hiện thí điểm ban đầu cho thấy, hiệu quả của việc ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại.

Sau nhiều kiến nghị của các hãng taxi truyền thống, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi các địa phương tham gia thí điểm taxi công nghệ, yêu cầu thống kê, rà soát chính xác số lượng tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới, nhằm hạn chế tình trạng bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác.

Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đều cho rằng, sự bùng nổ taxi công nghệ đã phá vỡ quy hoạch đầu xe taxi, và là một trong những nguyên nhân gia tăng áp lực giao thông, gây ùn tắc trong khi hạ tầng giao thông thành phố không theo kịp.

Mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố tạm thời chưa cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trong năm 2017.

Lý do là hiện nay tại thành phố đã có các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử gồm Grab, V.Car (Vinasun Car) và M.Car (Mai Linh Car); đồng thời nhằm khống chế phát sinh số lượng xe hợp đồng điện tử tham gia thí điểm, vốn được cho là làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch phát triển taxi tại thành phố.

Tập đoàn Mai Linh kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu Uber, Grab đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải như taxi truyền thống, điều chỉnh mức thuế bình đẳng giữa các loại hình taxi, thực hiện kê khai giá khi định giá và điều chỉnh giá đối với Uber, Grab, dãn nhán hiệu nhận diện đối với xe chạy Uber, Grab.

Trong khi đó, Vinasun kiến nghị Chính phủ buộc Uber, Grab phải đăng ký giá và chịu sự quản lý giá như các doanh nghiệp taxi truyền thống; phải chịu sự khống chế về số lượng đầu xe tham gia kinh doanh theo quy hoạch chung tại các địa phương đồng thời công khai thông tin số lượng xe đang hoạt động, doanh thu và thuế phải nộp định kỳ./.

Trần Xuân Tình