|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài toán trạm sạc xe điện cần giải của hãng taxi GSM do ông Phạm Nhật Vượng thành lập

10:15 | 28/03/2023
Chia sẻ
Với đội taxi điện hùng hậu, lên tới 10.000 chiếc, hãng taxi điện GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ phải đối mặt với một vấn đề: Trạm sạc.

"Tôi đang sử dụng một chiếc xe điện của VinFast và thường xuyên sạc pin cho xe tại các trạm sạc của hãng, ít khi sạc tại nhà. Thời gian đầu mua xe, tôi sạc nhanh tại các trạm VinFast khá thoải mái vì xe điện lúc đó còn ít người dùng" - đây là chia sẻ của một độc giả có tên Nguyễn Huy Hùng trên diễn đàn xe của tờ Thanh Niên.

Theo anh Hùng, việc VinFast tăng số lượng bàn giao các dòng xe điện như VF e34 và VF 8 khiến các trạm sạc tại khu vực TP HCM, ngày càng trở nên chật chội hơn.

 Người dùng lo ngại thiếu trạm sạc điện khi đội ngũ taxi điện của GSM gia nhập thị trường. (Ảnh: EVN TP HCM).

"Mặc dù chưa đến mức thiếu chỗ sạc nhưng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm một chỗ đậu xe để sạc pin. Tôi sống ở TP HCM, hệ thống trạm sạc ở thành phố còn ít, nhất là ở trung tâm, không được nhiều và đa dạng trụ sạc như Hà Nội", anh Hùng chia sẻ.

Ngoài việc xe điện VinFast tăng lên, thông tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty taxi điện GSM với số lượng ô tô điện lên tới 10.000 chiếc cũng khiến người này cảm thấy lo ngại.

Tại sao lại là tâm lý lo ngại? Hiện tại, đa phần người sở hữu ô tô điện VinFast đều sử dụng hệ thống trạm sạc công cộng của hãng, rất ít người có điều kiện để sạc xe tại nhà. Viễn cảnh ùn tắc tại các trạm sạc ở Việt Nam trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Hệ thống trạm sạc của VinFast hiện tại ra sao?

VinFast là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất và phát triển ô tô điện. Để đảm bảo quá trình lưu thông của người dùng, VinFast đặt mục tiêu xây dựng 3.000 trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho ô tô và xe máy điện phủ khắp cả nước.

Theo công bố trên website của VinFast, tính tới ngày 14/10/2022, hãng xe điện này đã hoàn thiện lắp đặt được tổng số trạm sạc như sau: 493 trạm sạc (miền Bắc); 318 trạm sạc (miền Trung); 256 trạm sạc (miền Nam).

Tổng số là 1067 trạm sạc và VinFast không nói rõ tỷ lệ trạm sạc cho ô tô điện chiếm bao nhiêu phần trăm. Như vậy, số trạm sạc của VinFast hiện chiếm 35,5% con số mục tiêu 3.000 mà hãng đề ra.

Vị trí đặt trạm sạc của VinFast ưu tiên những địa điểm mặt bằng rộng, đông dân cư, mật độ lưu thông cao để tạo sự thuận lợi cho việc sạc điện. 

Thời gian sạc của xe điện VinFast VF e34 tương ứng với các loại sạc. (Nguồn: VinFast).

Ngoài tự phát triển, VinFast chọn hợp tác với nhiều đơn vị, nhà đầu tư cho thuê mặt bằng trên khắp cả nước. Theo đó, những trạm dừng nghỉ, cây xăng, bãi đậu xe, hầm chung cư có mặt bằng đảm bảo để xây dựng trạm sạc đều có thể trở thành đối tác của VinFast để chia sẻ doanh thu. 

Trong nỗ lực phát triển hệ thống trạm sạc, VinFast đã hợp tác với Petrolimex (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) để kinh doanh hệ thống trạm sạc VinFast tại các trạm đổ xăng dầu thuộc Petrolimex. Nhờ vậy, VinFast có thể phát triển thêm các trạm sạc ở các trạm dừng nghỉ, trạm đổ xăng nằm trên cao tốc, quốc lộ.

Bài học từ cách phát triển trạm sạc của nước láng giềng

Hãy nhìn sang Trung Quốc - nơi đang dẫn đầu thế giới với số trạm sạc điện. Năm ngoái, gần 4 triệu chiếc EV đã được bán ra ở quốc gia tỷ dân này, gấp 4 lần doanh số xe điện ở Mỹ. Đi kèm với đó, 37.000 trạm sạc mới đã được mọc lên trên khắp Trung Quốc, mỗi trạm lại nhiều bộ sạc khác nhau.

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc được ví von với cách mà họ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại như các sân bay, đường bộ và đường sắt cao tốc. Trung Quốc có thể xây dựng với tốc độ cực nhanh. Do đó, họ dễ dàng phát triển các trạm sạc và giúp xoa dịu nỗi lo về phạm vi hoạt động của xe điện - một mối quan tâm hàng đầu của người dùng dòng phương tiện năng lượng sạch.

 Số lượng trụ sạc xe điện của Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2022. (Đơn vị: 1000 trụ/Nguồn: Statista).

Chỉ một thập kỷ trước, trên toàn Trung Quốc có dưới 30.000 trụ sạc công cộng. Tuy nhiên, con số đó đã tăng lên chóng mặt. Liên minh sạc xe điện của Trung Quốc gần đây đã báo cáo rằng vào năm 2022, 650.000 bộ sạc công cộng đã được chế tạo, nâng tổng số của Trung Quốc lên gần 1,8 triệu. Riêng tỉnh Quảng Đông có 383.000 - con số này nhiều hơn gấp đôi số lượng trụ sạc công cộng trên toàn nước Mỹ.

Theo những con số mới do StockApps.com công bố, 65% trạm sạc xe điện công cộng toàn cầu nằm tại Trung Quốc. Dữ liệu từ Statista cho biết, Trung Quốc có tổng cộng 1,15 triệu trạm sạc xe điện công cộng. Trong đó, 677.000 trạm sạc chậm và 470.000 trạm sạc nhanh. Như vậy, 41% trạm sạc ở Trung Quốc có khả năng sạc nhanh.

Xếp vị trí thứ hai là Mỹ. Theo dữ liệu, Mỹ chỉ có 113.527 trạm sạc. Trong đó, 21.752 trạm có khả năng sạc nhanh. Do đó, 81% các trạm ở Mỹ chỉ có khả năng sạc chậm. Hàn Quốc đứng kế sau Mỹ với 106.701 trạm sạc công cộng, 15.067 trạm có khả năng sạc nhanh.

Ở châu Âu, Hà Lan có nhiều trạm sạc công cộng nhất, xếp thứ 4 toàn cầu với 85.453 trạm. Ba quốc gia châu Âu khác theo sau Hà Lan là Pháp (54.260), Đức (50.972) và Vương quốc Anh (36.984).

Đáng chú ý, Na Uy chỉ có 19.278 trạm sạc, nhưng quốc gia Scandinavia này đã đầu tư nhiều vào các trạm sạc nhanh với 35% trạm sạc EV công cộng ở Na Uy có khả năng sạc nhanh.

Đằng sau sự phát triển thần tốc

Tại sao Trung Quốc có thể xây dựng một mạng lưới trạm sạc nhanh đến vậy? Câu trả lời nằm ở tầm nhìn mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra từ cách đây hơn một thập kỷ, mục đích biến quốc gia tỷ dân này trở thành trung tâm của cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.

 Một trạm sạc xe điện dành cho taxi ở Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Chính phủ bắt đầu trợ cấp cho việc bán ô tô điện vào năm 2010, khi ngành công nghiệp EV còn non trẻ. Năm 2015, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch sâu rộng với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng sạc để phục vụ 5 triệu ô tô điện vào năm 2020.

Chưa dừng lại, các công ty nhà nước và hệ thống giao thông công cộng cũng tham gia vào việc thúc đẩy xe điện. Hai công ty tiện ích chính của nhà nước đã được triển khai để xây dựng mạng lưới bộ sạc trên các đường cao tốc của quốc gia, kết hợp với nỗ lực của chính quyền địa phương.

Các đội xe bus và taxi công cộng ở nhiều thành phố đã chuyển sang xe chạy bằng điện, thúc đẩy việc xây dựng nhiều trạm sạc hơn. Trong khi đó, hơn 30 thành phố đã khuyến khích hoặc trợ cấp cho các công ty lắp đặt bộ sạc. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng quy định một bộ cắm tiêu chuẩn để sạc EV. Trái ngược với Mỹ - nơi không có tiêu chuẩn như vậy, điều này đã khiến các tài xế đau đầu khi họ không thể tìm thấy phích cắm phù hợp khi ghé một trạm sạc nào đó.

Cuối cùng, việc Trung Quốc chấp nhận hoàn toàn thanh toán bằng mã QR thông qua các ứng dụng như WeChat và Alipay cũng đã giúp xe điện trở thành một lựa chọn dễ dàng hơn nhiều.

Thành Vũ