|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng taxi điện của ông Phạm Nhật Vượng hoàn tất nhận diện thương hiệu, sẵn sàng vận hành trong tháng 4

15:57 | 22/03/2023
Chia sẻ
Các tài xế được tuyển dụng của GSM cũng đã có các buổi đào tạo lái xe tại Hà Nội. Chi phí đào tạo công ty tự chi trả.

Mới đây, hình ảnh về những chiếc xe điện VinFast VF e34 được sơn đồng loạt màu xanh lơ, có dòng chữ “Taxi xanh SM” cùng cách điệu chữ V như cánh chim bay lên hai bên hông xe, khác với kiểu dáng truyền thống đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Đây được cho là bộ nhận diện thương hiệu của hãng taxi GSM do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - CTCP, vừa thành lập. Dựa theo hình ảnh trên thân xe, hãng taxi này đã có số tổng đài toàn quốc và ứng dụng đặt xe trên cả hai nền tảng Android, iOS.

Nguồn tin của chúng tôi xác nhận rằng đây chính là nhận diện thương hiệu của taxi GSM. Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội được chụp khi xe đi đăng kiểm lần đầu vào chiều 21/3. Nguồn tin cũng cho biết dự kiến hãng taxi GSM sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2023.

 Nhận diện taxi điện GSM. (Ảnh: VinFast).

Trước đó, ngày 18/3 tại Hà Nội, 216 tài xế đã tham gia buổi đào tạo đầu tiên trong lộ trình đào tạo 7 ngày có tên “Hành trình di chuyển xanh”. Theo GSM, khi trở thành đối tác, tài xế sẽ được cam kết mức lương cứng 11 triệu đồng/tháng, kèm theo hoa hồng lên đến 25% tổng doanh thu tháng. Tài xế được tham gia bảo hiểm xã hội sau hai tháng thử việc, được đào tạo về ngành dịch vụ vận tải.

Trong đó, lương cố định 7 triệu đồng (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật về quyền của người lao động); Thưởng theo mức đánh giá của khách hàng 2 triệu đồng (tính theo số sao tài xế nhận được từ đánh giá của khách hàng sử dụng dịch vụ taxi điện).

Cuối cùng là thưởng hỗ trợ 2 triệu đồng (tối đa 6 tháng đầu kể từ khi ký hợp đồng lao động chính thức). 

Như vậy, để có thể nhận đủ 3 khoản trên, tài xế GSM cần lưu ý khoản thưởng theo mức đánh giá của khách hàng. Đặc biệt, công ty cũng sẽ chi trả đủ 100% lương cố định cho tất cả các tài xế trong thời gian thử việc. 

Về vấn đề đào tạo tài xế, việc đào tạo này là không mất phí. Hãng taxi GSM cũng khẳng định với tài xế rằng không thu cọc xe, tài xế taxi điện chỉ cần đóng cọc phụ phí trách nhiệm 8 triệu đồng và không phải thanh toán bất cứ khoản tiền nào khác. Khoản phụ phí trách nhiệm này sẽ được hoàn lại khi lái xe chấm dứt hợp đồng lao động với GSM.

Về quy định quản lý và vận hành xe khi trở thành tài xế GSM, chi phí bảo dưỡng định kỳ xe sẽ do công ty thanh toán. Hãng GSM cũng hỗ trợ sửa chữa khi va chạm giao thông, tùy theo nguyên nhân và tinh thần hợp tác giải quyết của tài xế.

Để gia nhập GSM, tài xế cần sở hữu bằng lái xe B2 trở lên, độ tuổi từ 21 tới 55, có kinh nghiệm lái xe 6 tháng, từng cộng tác với các hãng xe công nghệ, taxi truyền thống, lái xe hợp đồng là một lợi thế. Ngoài ra, GSM yêu cầu tài xế phải thông thạo khu vự địa lý nội - ngoại thành Hà Nội, lý lịch tư pháp rõ ràng. 

Trước đó, ngày 6/3 tại Hà Nội, ông Phạm Nhật Vượng đã công bố quyết định thành lập GSM. GSM có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 95% tỷ lệ cổ phần. GSM hoạt động trong hai mảng chính: cho thuê ô tô - xe máy điện và taxi điện.

GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô - xe máy điện để chở khách. 

Đồng thời, GSM cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện. Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023.

Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Đức Huy