|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Be Group được công ty ông Phạm Nhật Vượng đầu tư: Ứng dụng gọi xe đầu tiên có lãi ở Việt Nam, xử lý hơn 10 triệu giao dịch mỗi tháng

14:04 | 22/03/2023
Chia sẻ
Be Group đã nhận được khoản đầu tư từ công ty GSM do ông Phạm Nhật Vượng nắm 95% vốn điều lệ.

Ngày 21/3 tại Hà Nội, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) công bố khoản đầu tư vào Be Group - một nền tảng gọi xe công nghệ tại Việt Nam.

Hoà vốn sau hai năm hoạt động

Ra mắt từ năm 2019 với vai trò là một ứng dụng gọi xe, CTCP Be Group đã nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực khác như giao hàng, giao thức ăn, mua vé máy bay, bảo hiểm, gói dịch vụ viễn thông, vé số điện tử, và phát triển Ngân hàng số Cake by VPBank.

Theo Be Group, hiện các dịch vụ của công ty đã hiện diện tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, đạt hơn 20 triệu lượt tải, trung bình Be xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn hai dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50% và lượng khách hàng có giao dịch mỗi tháng đạt hơn 1,5 triệu. 

Trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, theo số liệu công ty tự công bố, Be Group đa đạt được thị phần 30-40% tại Hà Nội và 25-35% tại TP HCM. Với con số này, thị phần Be Group đang đứng sau Grab Việt Nam và bỏ xa đối thủ còn lại là Gojek.

 Một chuyến xe beBike. (Ảnh: Be Group).

Trao đổi với người viết, phía Be Group cho biết do doanh thu trong nửa đầu năm ngoái tăng gấp đôi nên công ty đã bắt đầu có lãi góp dương từ quý III/2022. Be đặt mục tiêu phục vụ 20 triệu khách hàng trong 2 - 3 năm tới. Trước đó, năm 2020, khi thị phần đạt 30%, Be Group cho biết họ đã hoà vốn sau hai năm lăn bánh, và là công ty gọi xe đầu tiên đạt được điều này ở Việt Nam.

Thời gian tới, Be tập trung vào ba mũi nhọn. Thứ nhất là liên kết với các hãng taxi truyền thống để hiện đại hóa ngành vận tải, gia tăng thị phần. Thứ hai, đầu tư cho nhóm sản phẩm, dịch vụ mobility. Hiện khách hàng đã có thể mua vé máy bay, vé xe khách, bảo hiểm chuyến đi… trên ứng dụng Be. 

Cuối cùng, tập trung vào ngân hàng số Cake. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ để góp phần phổ cập tài chính toàn diện đến tài xế và khách hàng của mình", đại diện Be Group cho hay.

Mục tiêu cuối cùng của Be Group là trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ tại Việt Nam. 

Quá trình tăng vốn "thần tốc"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Be Group được đăng ký thành lập vào tháng 5/2018 với tên gọi ban đầu là CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP, với ngành nghề kinh doanh chính: Các dịch vụ thông tin qua điện thoại, dịch vụ tìm kiếm thông tin thông qua hợp đồng hay trên cơ sở phí.

Vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng. Mặc dù được biết đến là người sáng lập Be Group nhưng cựu CEO Trần Thanh Hải không có tên trong danh sách những cổ đông sáng lập của VEEP. Cụ thể, những cổ đông ban đầu gồm Nguyễn Ngọc Bảo Lâm nắm 50%, Bùi Huy Hướng 25%, Hà Anh Tuấn 25%.

Trước khi ông Hải giữ vai trò Tổng giám đốc và đại diện pháp luật vào tháng 9/2018, chức vụ này thuộc về cá nhân Nguyễn Ngọc Bảo Lâm (sinh năm 1995). Sau khoảng 4 tháng thành lập, tháng 9/2018, VEEP tăng vốn điều lệ từ 200 triệu lên 100 tỷ đồng.

Một tháng sau đó vào tháng 10/2018, VEEP đổi tên thành CTCP Be Group như hiện nay. Đồng thời ngành nghề kinh doanh chính được đổi thành: Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, dịch vụ thương mại điện tử.

Đến tháng 4/2019, Be Group tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Tiếp đến tháng 8 cùng năm, vốn điều lệ của Be Group đạt hơn 515,7 tỷ đồng.

 

Mặc dù không công bố sự thay đổi cơ cấu cổ đông nhưng có thể thấy qua các đợt tăng vốn, Be Group phát hành pha loãng 66,7% tỷ lệ cổ phần trong đợt tháng 4 và phát hành pha loãng hơn 41,8% tỷ lệ cổ phần trong đợt tăng vốn vào tháng 8/2019.

Đặt giữa bối cảnh Be Goup vẫn đang phát triển nhanh, hiếm có nhà đầu tư giai đoạn sớm nào lại chấp nhận pha loãng tỷ lệ sở hữu nhiều đến vậy và trong thời gian ngắn đến thế. Không loại trừ khả năng các cổ đông sáng lập của Be Group đã cấp vốn cho đơn vị này xuyên suốt theo từng đợt phát hành, cùng với những nhà đầu tư mới (nếu có).

Gần đây nhất, tháng 9/2022, Be Group đã tiếp nhận khoản vay vốn trị giá lên đến 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Công ty cho biết khoản hỗ trợ tài chính này là tiềm lực giúp Be Group đẩy mạnh chiến lược hiện thực hóa những mục tiêu lớn.

Mục đích GSM đầu tư vào Be Group

Theo thoả thuận hợp tác, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ tại Việt Nam. 

Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Đối tác tài chính ở đây là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Tài xế Be Group sẽ được cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền để thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hấp dẫn.

Thêm nữa, dịch vụ taxi GSM cũng được tích hợp trên ứng dụng gọi xe Be. Khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có.

Có thể nói đây là khoản đầu tư sâu rộng nhất từ trước đến nay của ông chủ tập đoàn Vingroup vào một hãng gọi xe công nghệ. Trong khi trước đó, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã sáng lập GSM - hoạt động trong hai lĩnh vực chính: taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện VinFast. Ông Vượng nắm 95% cổ phần tại đây.

Đức Huy