Kí gửi chứng khoán là gì? Qui trình kí gửi chứng khoán
Hình minh hoạ (Nguồn: zeebiz)
Kí gửi chứng khoán
Khái niệm
Kí gửi chứng khoán là bước trong đó khách hàng gửi chứng khoán thuộc sở hữu của họ vào thành viên lưu kí nơi họ mở tài khoản lưu kí chứng khoán. Sau đó, thành viên lưu kí sẽ tái kí gửi chứng khoán của khách hàng vào trung tâm giao dịch chứng khoán (quá trình lưu kí 2 cấp)
Qui trình kí gửi
Qui trình kí gửi chứng khoán được tiến hành như sau:
- Kí gửi chứng khoán tại thành viên lưu kí
Khách hàng nộp chứng khoán tại thành viên lưu kí, nơi khách hàng mở tải khoản lưu kí chứng khoán.
Để xác định chính xác chủ sở hữu chứng khoán, đối với các chứng chỉ cổ phiếu, trái phiếu ghi danh khi kí gửi phải có kí hậu của khách hàng trên tờ chứng chỉ. Trong các trường hợp khác, cần phải có các căn cứ xác minh quyền sở hữu chứng khoán của người sở hữu chứng khoán do tổ chức phát hành lập.
- Thành viên lưu kí tiếp nhận và hạch toán chứng khoán kí gửi
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ lưu kí chứng khoán do khách hàng nộp, thành viên lưu kí hạch toán số cổ phiếu, trái phiếu cho khách hàng gửi vào tài khoản lưu kí chứng khoán của khách hàng và gửi cho khách hàng bản xác nhận kí gửi chứng khoán. Thành viên lưu kí chứng khoán vào trung tâm giao dịch chứng khoán.
Sau khi thành viên tái lưu kí số chứng khoán của khách hàng vào Trung tâm lưu kí thuộc Sở giao dịch chứng khoán và nhận được giấy báo Có của Trung tâm thì thời điểm đó khách hàng mới được phép đặt lệnh giao dịch hay tiến hành nghiệp vụ khác đối với số chứng khoán kí gửi.
- Thành viên tái lưu kí chứng khoán vào Trung tâm lưu kí chứng khoán
Chứng khoán kí gửi của khách hàng được thành viên tái lưu kí vào trung tâm giao dịch trong thời gian sớm nhất. Qui trình tái lưu kí của khách hàng do thành viên thực hiện phụ thuộc vào hình thức chứng khoán kí gửi là các chứng khoán chiết khấu hay chứng khoán ghi sổ.
Đối với các chứng chỉ chứng khoán, thành viên lưu kí trực tiếp mang số chứng khoán này đến trung tâm lưu kí chứng khoán để làm thủ tục lưu kí.
Trong trường hợp chứng khoán là chứng khoán ghi sổ, được thể hiện dưới hình thức giấy chứng nhận quyền sở hữu chứng khoán do tổ chức phát hành cấp, thì qui trình lưu kí chứng khoán hiện nay qui định như sau:
Các thành viên lập và gửi cho các tổ chức phát hành lập danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán, có kèm giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán để tổ chức phát hành kiểm tra danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán của công ty.
Danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán lưu kí của công ty sau đó được tổ chức phát hành gửi cho trung tâm lưu kí chứng khoán.
- Trung tâm lưu kí chứng khoán tiếp nhận và hạch toán chứng khoán lưu kí
Căn cứ vào số chứng khoán do thành viên tái lưu kí, trung tâm lưu kí chứng khoán hạch toán vào tài khoản chứng khoán giao dịch của khách hàng của thành viên hoặc của chính thành viên lưu kí.
Sau đó trung tâm lưu kí chứng khoán gửi giấy báo Có xác nhận việc gửi chứng khoán cho thành viên lưu kí. Chứng khoán của khách hàng được bảo quản và lưu kí tập trung tại kho lưu kí chứng khoán của trung tâm.
Sơ đồ tiếp nhận và hạch toán chứng khoán lưu kí
Sơ đồ tiếp nhận và hạch toán chứng khoán lưu kí ở Trung tâm chứng khoán Việt Nam
Chú thích nội dung các bước:
(1): Tổ chức phát hành làm thủ tục đăng kí, lưu kí
(2): Khách hàng kí gửi chứng chỉ chứng khoán hoặc nộp giấy chứng nhận quyền sở hữu chứng khoán
(3): Thành viên hạch toán vào tài khoản lưu kí khách hàng và thông báo cho khách hàng
(4a): Thành viên kí gửi chứng chỉ chứng khoán
(4b): Thành viên lập danh sách khách hàng lưu kí chứng khoán ghi sổ; gửi danh sách này cho tổ chức phát hành
(5a): Tổ chức phát hành đối chiếu danh sách khách hàng với danh sách cổ đông, gửi cho thành viên kết quả xác nhận
(5b): Trung tâm hạch toán vào tài khoản lưu kí của thành viên và xác nhận với thành viên
(6): Tổ chức phát hành nộp danh sách cổ đông kèm theo thông báo về thành viên lưu kí mà khách hàng đã kí gửi chứng khoán
(7): Trung tâm giao dịch chứng khoán thực hiện bút toán ghi tương ứng trên các tài khoản lưu kí
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 2018, NXB Tài chính)