|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khủng hoảng COVID-19 đòi hỏi kéo dài thời gian chuyển tiếp Brexit

23:53 | 28/03/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đang thử thách giới hạn các hệ thống quản lý quốc gia của cả Anh và EU, đồng thời đặt ra yêu cầu phải kéo dài thời hạn chuyển tiếp của Brexit.
Khủng hoảng COVID-19 đòi hỏi kéo dài thời gian chuyển tiếp Brexit - Ảnh 1.

Cảnh vắng vẻ tại trung tâm London, Anh do tác động của dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo Financial Times ngày 24/3 có bài phân tích cho rằng đại dịch COVID-19 đang thử thách giới hạn các hệ thống quản lý quốc gia của cả Anh và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đặt ra yêu cầu phải kéo dài thời hạn chuyển tiếp của Brexit.

Về mặt chính thức, Thủ tướng Boris Johnson và chính phủ Anh chưa có kế hoạch yêu cầu EU gia hạn giai đoạn chuyển tiếp cho mối quan hệ EU-Anh theo thỏa thuận Brexit sau ngày 31/12.

Tuy nhiên, về mặt không chính thức, những kế hoạch như vậy vẫn tồn tại, vì rõ ràng rằng đại dịch COVID-19 đang tiêu tốn tâm trí của chính phủ Anh và khiến việc tiến hành các cuộc thảo luận chi tiết về mối quan hệ lâu dài Anh-EU không thể thực hiện được.

Các cuộc đàm phán trực tiếp đã bị hoãn lại từ tuần trước chỉ sau một vòng, với kết quả chủ yếu là sự khác biệt về lập trường giữa hai bên trong những vấn đề như đánh bắt cá, dịch vụ tài chính và quy định doanh nghiệp nói chung.

EU đã công bố một dự thảo thỏa thuận dài 441 trang về mối quan hệ tương lai, và Anh cũng đáp lại bằng văn bản dự thảo của riêng họ. 

Tuy nhiên, hiện khó có thể hình dung được EU và Anh sẽ đạt được tiến bộ quyết định trước ngày 30/6, thời hạn mà ông Johnson phải quyết định có yêu cầu gia hạn hay không.

Không chỉ thử thách các hệ thống hành chính quốc gia của cả Anh và EU đến tận cùng giới hạn, đại dịch COVID-19 còn đẩy nền kinh tế của cả hai vào tình trạng khẩn cấp mà gần như chắc chắn sẽ kéo dài đến sau tháng 6/2020.

Giữa lúc khó khăn bộn bề, trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Bất chấp hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, vốn đòi hỏi phải có nhận thức chung nhất và lãnh đạo có trách nhiệm, vẫn có những nhân vật trong Đảng Bảo thủ cầm quyền say sưa với viễn cảnh hoàng kim đi cùng với Brexit.

Ngay cả khi không có thỏa thuận để điều chỉnh mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh, những người nói trên vẫn muốn giai đoạn chuyển tiếp sẽ chấm dứt vào cuối tháng 12 tới - thời hạn đã được chính phủ của ông Johnson ấn định thành luật - với lập luận rằng bất kỳ điều gì khác đi cũng sẽ là sự phản bội Brexit của những “phần tử phá hoại thân châu Âu.”

Những người cực đoan này sẵn sàng lên án chính phủ nếu Anh tiếp tục đóng góp vào ngân sách EU, trong trường hợp vẫn phải ở trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài.

Có lẽ lời giải thích sáng suốt nhất về lý do cần thiết phải gia hạn thời gian chuyển tiếp là trong bài bình luận của ông Fabian Zuleeg, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Brussels.

Chuyên gia này viết: “Những hành động của chính phủ Anh trong những tuần tới sẽ chứng tỏ liệu ông Boris Johnson có đủ khả năng của một chính khách hay không, khi mà trong bối cảnh hiện nay việc gia hạn chuyển tiếp là cách duy nhất, bất kể ý định dài hơi của ông ta là gì cho mối quan hệ giữa Anh và EU. 

Việc cố tình và chủ ý bồi thêm một cú sốc kinh tế nữa trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay sẽ là cực kỳ liều lĩnh.”

Chưa kể đến đại dịch, kinh tế Anh đã gần như chắc chắn phải nhận một cú sốc nếu chính phủ của ông Johnson quyết tâm vượt qua sự phản đối của EU và thực hiện những kế hoạch của mình trong việc xây dựng mối quan hệ tương lai trên cơ sở tách hoàn toàn khỏi các quy định và tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh, phí tổn phụ trội của cách tiếp cận này sẽ làm giảm năng suất tiềm năng của Anh khoảng 4%. 

Chính sách nhập cư mới được chính phủ Anh đề xuất sẽ làm giảm năng suất thêm 1,2%, theo báo cáo bổ sung trong tháng này của OBR.

Ông Michael Gove, cánh tay phải của Thủ tướng Boris Johnson về Brexit trong nội các, đã cảnh báo giới doanh nghiệp Anh trước khi đại dịch bùng phát rằng họ phải chuẩn bị tuyển dụng thêm 50.000 nhân viên nhằm giải quyết thủ tục giấy tờ hải quan bổ sung phát sinh do chính phủ kiên quyết tách khỏi các quy định quản lý của châu Âu. 

Thật khó tưởng tượng nổi việc chính phủ Anh lại dồn thêm gánh nặng như vậy cho các công ty trong thời điểm nền kinh tế phải vật vã để tồn tại vì dịch bệnh.

Tình hình thậm chí sẽ còn lộn xộn hơn nếu Anh và EU, trong khi vẫn phải vật lộn với dịch bệnh và những hậu quả mà nó gây ra, buộc phải bước vào năm 2021 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào để giải quyết thương mại song phương.

Vậy mà nhóm mê mải Brexit vẫn không thấy có vấn đề gì. David Davis, cựu Bộ trưởng Brexit, đầu tháng này tuyên bố đại dịch “có nghĩa là đi lại qua biên giới sẽ bị hạn chế và lực lượng hải quan sẽ thừa đủ khả năng giải quyết.” 

Điều ngạc nhiên là hầu như không có chính trị gia nào - dù là Bảo thủ hay Công đảng - đáp trả lập luận vô lý trên và công khai đặt vấn đề gia hạn chuyển tiếp.

Alistair Darling, cựu Bộ trưởng Tài chính thuộc Công đảng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ, đã tuyên bố “thật điên rồ khi nghĩ đến việc tự bắn vào chân mình, vì một quyết định chính trị hoàn toàn do mình đặt ra, trong lúc mà không nhất thiết phải làm như thế.”

Tuy nhiên, những người khác vẫn im lặng. Bằng cách đó, họ đang để mặc sân khấu cho những người say sưa với Brexit, cũng giống như những gì mà nhiều chính trị gia ôn hòa của mọi đảng phái đã làm trong giai đoạn trước khi dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của nước Anh.