|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của châu Âu nhiễm COVID-19

21:05 | 19/03/2020
Chia sẻ
Quan chức đứng đầu đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu thông báo ông đã có kết quả dương tính với COVID-19, song vẫn cảm thấy lạc quan.

"Tôi muốn thông báo với mọi người rằng tôi đã có kết quả dương tính với COVID-19, nhưng tôi vẫn ổn và trong trạng thái tinh thần tốt. Tôi đang tuân thủ mọi chỉ dẫn cần thiết, cũng như các cộng sự của tôi", Reuters dẫn nội dung trong bài viết hôm 19/3 của ông Michel Barnier, quan chức phụ trách đàm phán tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) của EU, trên mạng xã hội Twitter.

Việc ông Michel Barnier là điểm nhấn trong bức tranh về tình hình chống COVID-19 ở châu Âu. Một lục địa không biên giới, thông thương tự do đang phải thay đổi vì Covid-19. Từ cuối tuần qua, nhiều quốc gia bắt đầu hạn chế đi lại nội địa và kiểm soát biên giới. 

Sau Italy, Tây Ban Nha cũng đã phong tỏa toàn quốc, Czech yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà. Cùng với đó, biên giới các nước được thắt chặt. Đức kiểm soát biên giới với các nước láng giềng. Tương tự với Đan Mạch, Ba Lan và nhiều nước khác.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của châu Âu nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán tiến trình Brexit của Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters

Khi lục địa già đã thành vùng dịch lớn nhất thế giới, các biện pháp mạnh tay như cấm sự kiện đông người, yêu cầu người dân hạn chế ra đường, đóng cửa nhiều loại hình dịch vụ trừ thiết yếu và kiểm soát biên giới, mới được áp dụng.

"Di chuyển tự do trong khu vực Schengen từng là giá trị lớn nhất của chúng tôi, nhưng giờ đây nó trở thành mối nguy hiểm lớn nhất", Bộ trưởng Nội vụ Litva Rita Tamašunienė nói.

Có nhiều nguyên nhân khiến các nước châu Âu không phản ứng từ sớm, bao gồm quan điểm dịch tễ học về cách phòng và chữa Covid-19. Tuy nhiên, còn có một nhóm yếu tố khác liên quan đến kinh tế. 

Nhiều chuyên gia, hàng loạt chính trị gia từ trước khi dịch bùng phát mạnh đều tin rằng, việc hạn chế đi lại không giúp ích gì cho ngăn chặn dịch bệnh mà chỉ ảnh hưởng xấu đến kinh tế.

Những ý tưởng kêu gọi dừng thỏa thuận Schengen năm 1985 trước diễn biến xấu của Covid-19 đã được đề ra từ tháng 2. Nhưng đến cuối tháng 3, các quan chức Liên minh châu Âu vẫn bác bỏ ý tưởng kiểm soát biên giới. Họ cho rằng, cách này rất ít có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh.

Đến hôm qua (16/3), khi nhiều quốc gia thành viên đơn phương áp đặt các biện pháp biên giới cho riêng họ, Ủy ban châu Âu vẫn ra sức kêu gọi các nước kiềm chế. Họ cho rằng làm cách này sẽ suy yếu 4 quyền tự do cơ bản của EU - sự di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người - và làm mất ổn định nghiêm trọng thị trường thống nhất của khối, và khiến khu vực du lịch không biên giới Schengen vô nghĩa.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo, việc đóng cửa biên giới sẽ gây thêm tác hại "xã hội và kinh tế". Ý kiến của bà được một số nhà khoa học và chính trị gia đồng tình. Anders Tegnell, nhà dịch tễ học Thụy Điển, gọi các biện pháp đóng biên của Đan Mạch là hoàn toàn vô nghĩa. "Không có nghiên cứu nào cho thấy điều đó. Ngược lại, nó sẽ gây tổn hại cho chúng ta về kinh tế", ông nói.

Ngay tại Đức, khi chính quyền quyết định nâng mức độ kiểm soát biên giới, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn vẫn không đồng tình. Theo ông, người dân phải quen với virus. 

"Virus vẫn sẽ lan rộng ngay cả khi đóng tất cả các biên giới. Sớm muộn gì cũng phải cho mọi người vào hoặc ra. Và sau đó, nó sẽ lan rộng trở lại", ông nói.

Nhiều chính trị gia cấp nghị viện châu Âu phẫn nộ vì các nước đơn phương muốn bế quan tỏa cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tự do đi lại. 

Với thái độ kiềm chế hơn, Ủy ban châu Âu khuyến nghị các nước thiết lập một giải pháp gọi là "Hành lang xanh" - làn đường nhanh cho việc vận chuyển hàng hóa để duy trì nền kinh tế chung và đặc biệt là không cản trở phân phối thiết bị y tế.

Nhạc Phong