|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Không còn ‘sốt đất’ tràn lan, nhà đầu tư có nên tiếp tục đổ tiền vào đất nền?

12:12 | 05/07/2019
Chia sẻ
Theo lãnh đạo DKRA, những điểm nóng "sốt đất" hồi quý I (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận...) đến nay đã không còn tình trạng sốt giá tràn lan nữa. Thị trường đang vào giai đoạn thiết lập lại để phát triển ổn định, bền vững hơn.

Nguồn cung sắp tới không nhiều, đất nền vẫn là kênh đầu tư hàng đầu

Quý II, CTCP DKRA Vietnam ghi nhận tại thị trường đất nền TP HCM có 4 dự án mới ra mắt, cung cấp khoảng 291 nền, tăng 12% so với nguồn cung mới của quý I, nhưng chỉ bằng 61% cùng kỳ năm 2018 và 13% cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ nguồn cung mới không có dấu hiệu tăng đột biến so với các quý trước khi đạt 267 nền, chiếm 92% tổng cung mới và tăng 19% so với quý trước.

viber_image_2019-07-05_11-04-12

Nguồn cung và lượng tiêu thụ dự án đất nền mới theo quý từ năm 2017 đến nay tại TP HCM. (Nguồn: DKRA)

Khu vực phía Bắc Sài Gòn dẫn đầu cả về nguồn cung mới lẫn tỉ lệ tiêu thụ nguồn cung mới khi lần lượt chiếm 50% và 46%; tiếp theo là khu vực phía Nam với tỉ lệ tương tự lần lượt là 37% và 40%.

Mức giá giao dịch thứ cấp không nhiều biến động, tăng trung bình 2 – 5% so với quý I.

Báo cáo của DKRA dự báo, đất nền vẫn sẽ tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Trong thời gian tới, nguồn cung mới có thể sẽ tăng nhưng không vượt qua năm 2018.

Giá đất giảm 2 – 3 triệu đồng/m2, nhà đầu tư lo thị trường xuống

Trả lời thắc mắc của PV, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA thông tin, những điểm nóng "sốt đất" mà ông từng đề cập khi tổng kết quý I đến nay đã không còn tình trạng sốt giá tràn lan nữa.

Ảnh 2

Ông Phạm Lâm cho rằng lực lượng "cò mồi" thổi giá đất gần như bị triệt tiêu trong giai đoạn này. (Ảnh: DKRA)

Sau khi báo chí và các đơn vị nghiên cứu thị trường liên tục phản ánh, chính quyền các địa phương đã có những động thái cụ thể nhằm kiểm soát thị trường. Ví dụ như vừa rồi, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản khi đồng loạt mười mấy dự án cùng rao bán đất nền rầm rộ làm thị trường rối loạn…

"Tuy nhiên, không phải vì thị trường hôm trước có thông tin sốt nên hấp dẫn, còn giờ không sốt nữa thì hết hấp dẫn. Đây đều là những thị trường tiềm năng trong dài hạn. Sau những động thái của chính quyền địa phương, các thị trường này đang bắt đầu đi vào kiểm soát và dần được thiết lập để phát triển ổn định, bền vững hơn", ông Phạm Lâm khẳng định.

Thực tế, khi các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển hạ tầng, thu gom quỹ đất, đưa ra những mô hình bất động sản mới với những dự án lên đến cả nghìn ha… Những hoạt động này cũng thúc đẩy các ngành kinh tế, du lịch của tỉnh đó phát triển theo.

Vì vậy, theo lãnh đạo DKRA cần có cái nhìn dài hạn cho thị trường địa ốc các tỉnh, không hoàn toàn phụ thuộc vào sự dịch chuyển về mặt thông tin. Các chính sách, quy định của chính quyền đưa ra nhằm kiểm soát thị trường tốt hơn, chứ không phải như cảm nhận và lo ngại của nhiều người là các thị trường này đã rơi vào khủng hoảng.

"Mới đây, khi xem một báo cáo về thị trường Đà Nẵng, khi thấy giá đất ở một số chỗ giảm 2 – 3 triệu đồng/m2, không ít người bi quan cho rằng thị trường đã giảm. Nhưng tôi khuyên các nhà đầu tư tại Đà Nẵng nên tận dụng thời gian này để chọn mua những vị trí đất đẹp nhất, đây mới là giai đoạn an toàn để đầu tư.

Tại sao khi thị trường xảy ra sốt đất, một ngày có mấy chục khách lao vào mua, xe hơi khắp nơi đổ về, thì nhiều nhà đầu tư lại thích mạo hiểm đổ tiền vào; còn khi thị trường xuống một chút thì họ lại băn khoăn? Tôi nghĩ có một lực lượng chuyên thổi giá, đẩy thị trường lên, lực lượng này gần như bị triệt tiêu trong giai đoạn này", ông Phạm Lâm đánh giá.

N. Lê