Khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của dự án là gì?
Khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của dự án trong nghiên cứu lập dự án đầu tư
Khái niệm
Khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của dự án được hiểu là khả năng mà dự án giành được thị phần và có được mức lợi nhuận nhất định.
Thực chất khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của dự án có thể được hiểu cụ thể là việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm của dự án sẽ giành được và duy trì ở mức độ nào đó thị phần trên thị trường. Đây cũng được xem như là hiệu quả đầu tư từ dự án
Một dự án đầu tư có hiệu quả thực sự tức là dự án sản xuất ra sản phẩm được thị phần chấp nhận, được tiêu thụ với số lượng lớn nghĩa là dự án đó giành được thị phần nhất định.
Nội dung
Nội dung chủ yếu trong nghiên cứu khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của dự án gồm:
- Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự như sản phẩm của dự án. Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh cần có danh sách của những đối thủ cạnh tranh chủ yếu với sản phẩm của dự án.
Những thông tin về đối thủ cạnh tranh cần có là: khả năng sản xuất, mặt mạnh, mạnh yếu, địa bàn hoạt động, uy tín của các đối thủ đó trên thị trường... ước tính khả năng phát triển của họ trong tương lai.
Trong trường hợp phải cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài, khi đó cần phải đánh giá sự gay gắt của việc cạnh tranh theo những yếu tố chi phí sản xuất, khả năng tài chính, khả năng quản lí và trình độ kĩ thuật.
Trên cơ sở nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh, cần đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh đó có những xây dựng chiến lược cạnh tranh thích hợp.
- Xác định chiến lược cạnh tranh
Chiến lược cạnh tranh là tổng thể các biện pháp được đưa ra để có thể đạt được khả năng cạnh tranh nhất định trên thị trường. Chiến lược cạnh tranh được xây dựng trên cơ sở phân tích đối thủ cạnh tranh và những lợi thế của dự án.
Chiến lược cạnh tranh bao gồm: chiến lược về sản phẩm, chiến lược về giá, chiến lược về tiếp thị, chiến lược phân phối.
- Xác định các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của dự án
Các chỉ tiêu này bao gồm:
+ Thị phần của dự án/thị phần của các đối thủ cạnh tranh
+ Doanh thu từ sản phẩm của dự án/doanh thu của các đối thủ cạnh tranh
+ Tỉ lệ chi phí marketing/Tổng doanh thu
+ Tỉ suất lợi nhuận
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về dự án đầu tư và công tác lập dự án đầu tư, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)