Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh là gì?
Hình minh họa
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Định nghĩa
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là những sản phẩm mang lại lợi ích tiêu dùng xã hội được thể hiện sản phẩm vật chất hoặc sản phẩm phi vật chất.
Bản chất
- Những sản phẩm này phải phù hợp với lợi ích kinh tế và trình độ văn minh của tiêu dùng xã hội hay nói cách khác, nó phải được người tiêu dùng chấp nhận.
- Như vậy, để được coi là kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thì phải thoả mãn các yêu cầu sau:
- Phải là thành quả lao động do lao động của doanh nghiệp đó làm ra.
- Phải là sản phẩm hữu ích.
- Được tính trong một khoảng thời gian nào đó: một ngày, một tháng, một quí hoặc cả năm.
Ví dụ
1) Quí II năm 2009, doanh nghiệp sản xuất được 12.000 tấn clinker nhưng không đủ dùng nên đã mua thêm 2.500 tấn. Khi tính vào kết quả sản xuất của doanh nghiệp quí II/2009, sẽ tính 12.000 tấn hay 14.500 tấn clinker?
Câu trả lời là 12.000 tấn vì đây là thành quả lao động của doanh nghiệp đó.
2) Trong tháng 2/2009, doanh nghiệp thu được 1 tấn sắt thép vụn, trong đó đã tiêu thụ được 0,7 tấn, còn 0,3 tấn không tiêu thụ được. Vậy tính vào vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tháng 2/2009 là 1 tấn hay 0,7 tấn?
Đáp án là 0,7 tấn vì đây là sản phẩm hữu ích mang lại thu nhập cho doanh nghiệp.
Các dạng biểu hiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
(1) Căn cứ vào mức độ hoàn thành của sản phẩm để chia kết quả sản xuất thành:
- Thành phẩm: là sản phẩm đã trải qua toàn bộ các khâu trong qui trình sản xuất của doanh nghiệp, đạt tiêu chuẩn kĩ thuật mà doanh nghiệp đó đề ra, đã được tiến hành kiểm tra chất lượng, đã hoặc đang làm thủ tục nhập kho.
(Trừ một số loại sản phẩm có qui định riêng, không phải kiểm tra chất lượng và không phải làm thủ tục nhập kho như điện năng, nước sạch...).
- Bán thành phẩm: là sản phẩm đã được hoàn thành ở một hoặc một số khâu trong qui trình sản xuất nhưng chưa đến khâu sản xuất cuối cùng.
Bán thành phẩm có đủ tiêu chuẩn chất lượng của các giai đoạn công nghệ đã qua chế biến cũng có thể đem đi tiêu thụ được và được coi như sản phẩm hoàn thành.
- Tại chế phẩm: là sản phẩm đã được hoàn thành ở một hoặc một số khâu của qui trình sản xuất nhưng chưa đến khâu sản xuất cuối cùng và hiện tại đang được chế biến ở một khâu nào đó.
Tại chế phẩm không đem đi tiêu thụ được.
- Sản phẩm sản xuất dở dang: gồm toàn bộ bán thành phẩm và tại chế phẩm có tại thời điểm nghiên cứu.
Ví dụ:
Chu trình sản xuất của một xí nghiệp dệt như sau:
Khi đó, thành phẩm: vải màu; bán thành phẩm: bông, sợi, vải mộc, còn gọi là sản phẩm dở dang, nếu đem bán ra ngoài thì được coi là thành phẩm.
(2) Căn cứ vào vai trò của sản phẩm, kết quả sản xuất bao gồm:
- Sản phẩm chính: là sản phẩm thu được thuộc mục đích chính của qui trình sản xuất.
- Sản phẩm phụ: là sản phẩm thu được thuộc mục đích phụ của qui trình sản xuất.
- Sản phẩm song đôi: là hai hoặc nhiều sản phẩm cùng là sản phẩm chính trong một qui trình sản xuất.
Ví dụ:
Sản xuất mía đường, sản phẩm chính là đường, sản phẩm phụ là bã mía (nguyên liệu làm giấy)
Trong chăn nuôi lợn, sản phẩm chính là thịt lợn, sản phẩm phụ là phân lợn (dùng trong chăn nuôi)
Trong chăn nuôi bò sữa, sản phẩm song đôi là sữa bò và bê con
Trong chăn nuôi cừu, sản phẩm song đôi là thịt cừu và lông cừu...
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thống kê doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)