|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá trị gia tăng thuần (Net Value Added – NVA) trong thống kê là gì?

11:58 | 04/10/2019
Chia sẻ
Giá trị gia tăng thuần (tiếng Anh: Net Value Added, viết tắt: NVA) biểu hiện toàn bộ giá trị mới được sáng tạo ra trong một thời kì nhất định của tất cả các hoạt động sản xuất và dịch vụ của doanh nghiệp.
Giá trị sản xuất (3)

Hình minh họa

Giá trị gia tăng thuần (Net Value Added – NVA)

Định nghĩa

Giá trị gia tăng thuần trong tiếng Anh là Net Value Added, viết tắt là NVA

Giá trị gia tăng thuần là chỉ tiêu biểu hiện toàn bộ giá trị mới được sáng tạo ra trong một thời nhất định (không kể phần giá trị khấu hao tài sản cố định) của tất cả các hoạt động sản xuất và dịch vụ của doanh nghiệp.

Các thuật ngữ liên quan

Giá trị gia tăng hay giá trị tăng thêm (Value Added - VA) trong thống kê là toàn bộ kết quả lao động hữu ích do lao động trong doanh nghiệp mới sáng tạo ra và giá trị khấu hao tài sản cố định trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Giá trị sản xuất (Gross Output, viết tắt: GO) là biểu hiện bằng tiền toàn bộ giá trị của các kết quả hoạt động lao động hữu ích do lao động của doanh nghiệp làm ra trong một thời kì nhất định, thường là một năm.

Chi phí trung gian (Intermediational Cost, viết tắt: IC) bao gồm toàn bộ chi phí thường xuyên về vật chất và chi phí dịch vụ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất và hoạt động dịch vụ khác của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định.

Cách xác định giá trị gia tăng thuần NVA

Về cơ cấu giá trị: NVA = V + M

Phương pháp tính giá trị gia tăng thuần

NVA được tính theo hai phương pháp:

(1) Phương pháp sản xuất:

NVA = VA - C1 = GO - IC - C1

Trong đó:

NVA: Giá trị gia tăng thuần

VA: Giá trị gia tăng (VA)

C1: Khấu hao tài sản cố định

GO: Giá trị sản xuất

IC: Chi phí trung gian

Trong đó

(2) Phương pháp phân phối:

NVA = V + M

Trong đó

NVA: Giá trị gia tăng thuần

V: Thu nhập lần đầu của người lao động

M: Thu nhập lần đầu của doanh nghiệp

Ý nghĩa kinh tế của chỉ tiêu giá trị gia tăng thuần

- Chỉ tiêu NVA là cơ sở để tính GDP, GNI của nền kinh tế quốc dân; tính thuế giá trị gia tăng VAT; tính cơ cấu thu nhập của doanh nghiệp và tính các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Giá trị gia tăng thuần là nguồn gốc để cải thiện mức sống cho người lao động, một phần của nó đóng góp cho xã hội (qua thuế và phí các loại), phần còn lại được sử dụng cho việc mở rộng các quĩ của doanh nghiệp như: quĩ đầu tư phát triển, quĩ công ích, quĩ khen thưởng phúc lợi... và lợi nhuận của nhà đầu tư.

Do vậy, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển, giá trị gia tăng thuần - NVA của daonh nghiệp đó phải không ngừng tăng lên.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thống kê doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Minh Lan