|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế toán công cụ tài chính phái sinh là gì?

15:42 | 09/06/2020
Chia sẻ
Kế toán công cụ tài chính phái sinh là một trong các nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường công cụ tài chính phái sinh phát triển.
Kế toán công cụ tài chính phái sinh là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Edu2review)

Kế toán công cụ tài chính phái sinh

Khái niệm

Kế toán công cụ tài chính phái sinh trong tiếng Anh gọi là: Accounting for derivative financial instruments.

Kế toán công cụ tài chính phái sinh là việc thu thập, xử lí và cung cấp thông tin về công cụ tài chính phái sinh dưới hình thái giá trị, kế toán cung cấp số liệu để đánh giá hiệu quả của công cụ tài chính phái sinh đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Do đó, kế toán là một trong các nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường công cụ tài chính phái sinh phát triển.

Kế toán công cụ tài chính phái sinh tại Việt Nam

Theo kết quả khảo sát, trong những nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp biết đến nhưng vẫn e ngại việc sử dụng công cụ tài chính phái sinh có tới 25% ý kiến cho rằng do việc thiếu các hướng dẫn của Nhà nước về việc sử dụng và kế toán công cụ tài chính phái sinh (CCTCPS).

Mặc dù, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng IAS/IFRS trình bày và thuyết minh công cụ tài chính, nhưng việc vận dụng Thông tư này rất khó khăn, vì trong Thông tư hướng dẫn áp dụng chuẩn mực quốc tế về trình bày và thuyết minh công cụ tài chính trong đó có công cụ tài chính phái sinh, chưa có hướng dẫn ghi nhận và đo lường công cụ tài chính nói chung và công cụ tài chính phái sinh nói riêng.

Có thể thấy hiện nay ở Việt Nam chưa có hướng dẫn đồng bộ nào cho các doanh nghiệp trong việc đo lường, ghi nhận và trình bày công cụ tài chính phái sinh, dẫn tới doanh nghiệp rất khó khăn trong việc xem xét sử dụng công cụ tài chính phái sinh trong hoạt động kinh doanh cũng như việc ghi nhận, trình bày các chỉ tiêu về công cụ tài chính phái sinh trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Qui định hướng dẫn kế toán CCTCPS tại các doanh nghiệp

Có 3 chuẩn mực kế toán quốc tế qui định về công cụ tài chính, đó là:

- Chuẩn mực quốc tế (IAS) số 39 - Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị;

- IAS số 32 - Công cụ tài chính: Chuẩn mực quốc tế về lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC);

- (IFRS) số 7 - Công cụ tài chính: Thuyết minh thông tin.

Ở Việt Nam, năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC (Thông tư 210) ngày 06/11/2009 về việc hướng dẫn áp dụng chuẩn mực quốc tế về trình bày Báo cáo tài chính (BCTC) và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, trong đó có công cụ tài chính phái sinh.

Thông tư số 210 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính với 03 nội dung chủ yếu như sau:

(i) Qui định các thuật ngữ liên quan đến công cụ tài chính;

(ii) Hướng dẫn các nguyên tắc trong việc trình bày các công cụ tài chính trên báo cáo tài chính (BCTC);

(iii) Hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng BCTC đánh giá sự ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; Đánh giá bản chất, phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

Theo đó, công cụ tài chính được phân nhóm phù hợp với bản chất của các thông tin được trình bày và theo đặc điểm của các công cụ tài chính.

(Tài liệu tham khảo: Vấn đề kế toán công cụ tài chính phái sinh trong ghi nhận báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp, ThS. Phạm Thị Hồng Thắm, Tạp chí Công thương, 2017)

Tuyết Nhi