|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiến nghị chuyển Khu chế xuất Tân Thuận thành Công viên khoa học

22:00 | 10/01/2025
Chia sẻ
Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) khi nhà nước thu hồi sẽ có sẵn mặt bằng, nhà xưởng, hạ tầng cơ bản để chuyển thành Công viên khoa học, theo ông Phạm Chánh Trực.

Đây là một trong hai phương án xây dựng công viên khoa học được ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM kiến nghị tại hội nghị về chiến lược phát triển Khu công nghệ cao thành phố (SHTP) đến năm 2030, tầm nhìn 2045, sáng 10/1.

Khu chế xuất Tân Thuận sẽ hết hạn thuê đất vào ngày 23/9/2041. Đây được coi là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, thành lập năm 1991, ở phường Tân Thuận Đông, quận 7. Nơi đây giáp sông Sài Gòn, cách quận 1 khoảng 5 km. Khu có gần 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công sản xuất truyền thống. Hiện, 195 ha đất tại đây được dùng để xây nhà máy, kho.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại hội nghị về Chiến lược phát triển Khu công nghệ cao TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, sáng 10/1. Ảnh: Liên Liên

Theo ông Trực, khi chính quyền thành phố thu hồi Khu chế xuất Tân Thuận, nếu chuyển thành Khu công viên khoa học công nghệ sẽ có các lợi thế về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật cơ bản, nhà xưởng có sẵn. Ông đề xuất thành phố có quyết định thành lập công viên khoa học trên cơ sở thu hồi Khu chế xuất Tân Thuận

Để Công viên khoa học đi vào hoạt động, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP HCM đề xuất thành phố giao nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, ngân sách hoạt động và kế hoạch bổ sung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với chức năng công viên khoa học là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp tại Công viên khoa học cần đầu tư theo nhu cầu nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và theo dự án nghiên cứu công nghệ. Ông Trực cho rằng, đây là phương án có thể thực hiện nhanh, chỉ cần bổ sung thêm chức năng cho Công viên khoa học.

Với phương án xây dựng Công viên khoa học tại phường Long Phước, TP Thủ Đức, rộng 200 ha, ông Trực đề nghị Khu công nghệ cao TP HCM cần xúc tiến thực hiện bằng cách lập tổ quản lý dự án để triển khai. Với số vốn hơn 600 triệu USD cho Công viên khoa học theo ông "là số tiền không lớn vì một đồng đầu tư vào Khu công nghệ cao, thành phố thu được gấp 3 lần". "Những đầu tư này nhằm xây dựng Khu công nghệ cao TP HCM mạnh, làm động lực cho đầu tàu kinh tế cả nước", ông Trực nói.

Công viên khoa học được TP HCM ấp ủ 15 năm trước nhưng đến nay chưa thể triển khai do chưa bố trí được vốn, vướng thủ tục... Đây được kỳ vọng là nơi tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, cạnh tranh... Đây cũng là nơi ươm tạo doanh nghiệp và đào tạo nhân lực công nghệ cao cho TP HCM.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, trong quy hoạch phát triển, thành phố định hướng chuyển đổi một số khu công nghiệp thành khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao TP HCM trở thành Khu công viên khoa học công nghệ. Trên cơ sở này, SHTP đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trong giai đoạn đến 2030, SHTP đặt mục tiêu trở thành Khu công viên khoa học công nghệ, là hạt nhân động lực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đến năm 2045 Khu công nghệ cao trở thành Khu đô thị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phối cảnh cơ sở hạ tầng Công viên khoa học rộng 200 ha tại phường Long Phước, TP Thủ Đức trong đề án Khu công nghệ cao mở rộng của Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: SHTP

Khu công nghệ cao TP HCM giai đoạn tới đặt mục tiêu đạt doanh thu đạt 30 tỷ USD từ các hoạt động công nghệ cao. Tổ chức đào tạo và thu hút 20.000 nhân sự chất lượng cao, bao gồm ít nhất 20% chuyên gia quốc tế. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm 40% trong tổng số doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao. Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) trên tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp chiếm từ 3% - 5%. Theo ông Cường, để thực hiện chỉ tiêu trên, Khu công nghệ cao TP HCM sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng công nghệ, thay đổi hệ thống quản trị, hợp tác trong nước và quốc tế...

Bà Phạm Thúy Kiều, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, Khu công nghệ cao cần liên kết các bên hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tiếp cận các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Quỹ này có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và ưu đãi mạnh cho doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghệ cao. Ngoài ra, bà cho rằng SHTP cần có cơ chế thu hút nhân tài từ đại học, tập trung đào tạo chuyên sâu để tạo nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu.

Hà An